Chiến sự ở Ukraine: Đoàn kết hay chia rẽ châu Âu?
6 tháng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, phương Tây đã sát cánh cùng nhau hỗ trợ Ukraine và áp lệnh trừng phạt Nga. Tuy nhiên, điều đó vẫn không thể khiến cuộc chiến này nhanh chóng kết thúc. Thậm chí chiến sự ở Ukraine còn có thể phá vỡ sự đoàn kết của phương Tây khi mùa đông tới gần và người dân châu Âu đang chật vật vì giá năng lượng và lương thực tăng.
Câu hỏi đặt ra là liệu các nhà lãnh đạo phương Tây đã sẵn sàng cho một cuộc chiến kéo dài và có tiếp tục hỗ trợ Ukraine hay không khi chính họ cũng đang đối mặt với các gánh nặng tài chính.
Tại Mỹ và châu Âu, dư luận nhìn chung vẫn ủng hộ việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga nhưng sự ủng hộ này có thể sẽ phai nhạt khi cuộc chiến kéo dài. Trong một cuộc khảo sát 10 nước châu Âu được tiến hành hồi tháng 5/2022, 42% những người được hỏi cho biết chính phủ của họ chú ý quá nhiều đến Ukraine thay vì những vấn đề của mình.
Tại Romania và Ba Lan, con số này là hơn 50%. Người dân châu Âu cũng coi chi phí sinh hoạt và giá năng lượng tăng là mối lo ngại hàng đầu. Ở Đức, một cuộc khảo sát hồi tháng 7 cho thấy mức độ ủng hộ việc tẩy chay khí đốt Nga - một phương tiện quan trọng để gây sức ép với điện Kremlin, đã giảm xuống dưới 1/3, tức là giảm khoảng 44% so với 6 tuần trước đó.
Hiện nay, các chính phủ phương Tây đã trao đổi thẳng thắn về những khó khăn phía trước mà họ phải đối mặt. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thu nhập khả dụng giữa các nước mặc dù không giống nhau nhưng chi phí sinh hoạt của mỗi hộ gia đình ở châu Âu dự kiến tăng gần 7% trong năm 2022.
Với việc Nga thắt chặt nguồn cung khí đốt, tình hình chưa thể được cải thiện và người tiêu dùng châu Âu sẽ đối mặt với một mùa đông ảm đạm. Anh đang phải chấp nhận tình trạng cắt điện theo chỉ định và chính phủ phải tập trung hỗ trợ cho những người gặp rủi ro lớn nhất. Hỗ trợ thu nhập cho người nghèo được cho là biện pháp hiệu quả hơn so với giảm thuế và kiểm soát giá cả. Còn theo The Guardian, tại Đức – quốc gia cũng đang chật vật đối phó với nguy cơ thiếu năng lượng vào mùa đông, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy 50% những người được hỏi ủng hộ Ukraine nhượng bộ lãnh thổ trước Nga.
Các nền kinh tế ở Đông Âu cũng đối mặt với những dấu hiệu sụt giảm đầu tiên sau khi tăng trưởng mạnh mẽ hồi đầu năm 2022, giữa bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine đang tác động tiêu cực đến các công ty và người tiêu dùng.
Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm ở Ba Lan, Romania và Hungary vẫn được duy trì từ tháng 4 đến tháng 6, chủ yếu nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng vọt sau khi lệnh hạn chế do đại dịch Covid-19 được dỡ bỏ. Tuy nhiên, nền kinh tế của Ba Lan và Romania theo quý dự kiến sẽ sụt giảm và tăng trưởng ở Hungary đang chậm lại.
Trước mùa đông khó khăn, châu Âu đã nhất trí một kế hoạch chung về tiêu thụ khí tự nhiên, mặc dù vẫn còn nhiều khác biệt, từ Đức - nước ở xa chiến trường và phụ thuộc vào Nga nhiều nhất về khí đốt, cho tới Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha - những nước ít phụ thuộc vào khí đốt Nga hay Hungary - quốc gia đã từ chối tuân thủ các điều khoản hạn chế khí đốt Nga. Thỏa thuận của EU đã thống nhất sẽ cắt giảm 15% khí tự nhiên từ Nga vào mùa xuân năm sau.
Trong khi đó, châu Âu cũng đang tìm kiếm các nguồn khí đốt mới thay thế từ Nigeria, Algeria, Na Uy và Azerbaijan. Sự kết hợp giữa các nguồn cung mới và việc giảm tiêu thụ khí đốt đã khiến một quan chức EU hồi đầu tháng 8 đưa ra khẳng định rằng EU có thể giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga từ 40% xuống 20%. Tuy nhiên, thách thức chính trị đặt ra là: Liệu sự đoàn kết của EU có tiếp tục được duy trì khi quy mô các nền kinh tế sụt giảm và liệu tinh thần hy sinh vì Ukraine có phai nhạt?
Sự hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine sẽ kéo dài bao lâu?
Bất chấp các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây, Nga vẫn không thay đổi mục tiêu chiến dịch của mình và bất chấp những cảnh báo của Moscow, phương Tây vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev.
Mỹ đã cam kết cung cấp thêm 1 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine vào tuần trước, đưa tổng số ngân sách Washington hỗ trợ cho Kiev lên 9,8 tỷ USD. Con số này của Anh hiện đã vượt quá 2,3 tỷ bảng trong khi các nước EU cũng tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine. Nếu không có sự hỗ trợ này, Ukraine sẽ bị đánh bại.
Phương Tây cho rằng, để vượt qua tâm lý mệt mỏi khi cuộc chiến kéo dài, các nhà lãnh đạo cần làm rõ các mục tiêu của họ ở Ukraine. Trong khi những ưu tiên của từng chính phủ có thể khác nhau thì họ đều có sự nhất trí ở một số mục tiêu cốt lõi: Đó là bảo vệ giới lãnh đạo và quyền tự quyết của Ukraine, khiến Nga chịu trách nhiệm về cuộc chiến và tránh một lệnh ngừng bắn khiến Kiev dễ trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công tiếp theo của Nga. Ở mức độ tối thiểu, châu Âu sẽ tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và tiếp tục cung cấp hỗ trợ kinh tế cho Ukraine trong những tháng tới.
Tuy nhiên, những hành động thận trọng của chính quyền Tổng thống Biden nhằm tránh đối đầu trực tiếp với Nga bằng mọi giá đồng nghĩa với việc Nga sẽ không giành thắng lợi hoàn toàn nhưng cũng không thất bại hoàn toàn. Cuộc chiến này sẽ luôn âm ỉ nhưng sẽ không bao giờ đạt tới điểm sôi./.