Sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương nhìn chung không đáng kể, xét cả trong lịch sử. Nhưng trong vài tháng qua, mọi thứ đã thay đổi. Lý do cho sự thay đổi này rất đơn giản: Trung Quốc. Washington hiện đang thực hiện tái khám phá Thái Bình Dương ở mức độ cao chưa từng thấy.
Vào cuối tháng 9 này, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đăng cai hội nghị thượng đỉnh Đảo quốc Thái Bình Dương lần đầu tiên ngay tại Nhà Trắng, theo phong cách hội nghị ASEAN được tổ chức hồi tháng 5.
Sau Thế chiến II, Mỹ hầu như vắng mặt tại Thái Bình Dương. Nay Mỹ đang phấn đấu để được coi là một thế lực “vì điều tốt” tại một khu vực mà Trung Quốc đã có xâm nhập sâu trong 15 năm qua.
Đây không phải là lần đầu tiên uy thế của Mỹ thời hậu chiến bị thách thức ở Thái Bình Dương. Vào thập niên 1980, Liên Xô đã phá vỡ thế cân bằng sức mạnh ở khu vực quần đảo Thái Bình Dương, khiến Mỹ phải phản ứng bằng một loạt hiệp ước và hiệp định.
Trong số các hiệp ước này có Hiệp ước Cá ngừ Nam Thái Bình Dương, ký với 16 đảo quốc Thái Bình Dương. Hiệp ước này đã thể hiện tầm quan trọng cho tới tận ngày nay khi Mỹ có chiến dịch ngoại giao mới ở trong vùng.
Mỹ đã làm trung gian cho việc ký kết 3 Hiệp ước Liên kết Tự do (COFA) với Lãnh thổ Ủy thác Liên Hợp Quốc sau trở thành Cộng hòa Quần đảo Marshalls, Liên bang Micronesia, và Cộng hòa Palau vào giữa thập niên 1980.
Khi Liên Xô tan rã vào đầu thập niên 1990, Mỹ cũng ngừng quan tâm đến Thái Bình Dương. Nhưng các hiệp ước nói trên thúc đẩy sự hình thành của vô số cộng đồng Micronesia trên lãnh thổ Mỹ. Nhưng để đổi lấy các quyền lợi đó, các quốc gia COFA trao cho Mỹ quyền kiểm soát độc quyền đối với các lãnh thổ đại dương và một căn cứ quân sự trọng yếu trên Đảo san hô Kwajalein.
Mỹ khẩn trương ra tay
Trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, các thỏa thuận thời hạn 20 năm này đã hết hạn và suy yếu trước sự khó chịu của một số nghị sĩ thuộc lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ. Nỗi sợ về đà tiến của Trung Quốc trong khu vực này đã hối thúc Nhà Trắng hành động vào tháng 3/2022. Kể từ đây, sự hiện diện của Mỹ gia tăng. Quốc hội Mỹ đi đầu trong đẩy mạnh cuộc chơi của nước này tại Thái Bình Dương, với vô số đạo luật như Đạo luật Thái Bình Dương Xanh 2021. Đường lối ngân sách của cơ quan này cũng được thiết kế nhằm đáp ứng cả nhu cầu lớn của khu vực lẫn thúc đẩy lợi ích địa chính trị của Mỹ và bạn bè, đồng minh, không riêng gì Australia.
Tháng 8 vừa qua, có thể thấy rõ sự khẩn trương trong hành động của Mỹ tại Quần đảo Solomon - quốc gia nằm trong cuộc đấu địa chính trị diễn ra sau khi ký kết thỏa thuận an ninh với Trung Quốc vào tháng 4.
Vào đầu tháng 8, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Đại sứ Mỹ tại Australia Caroline Kennedy đã tổ chức các hoạt động tưởng niệm 80 năm ngày bắt đầu Trận chiến Guadalcanal vào tháng 8/1942 ở Solomon.
Cuối tháng 8, tàu bệnh viện Mỹ Mercy đậu tại Honiara, nơi đây tàu được Thủ tướng Manasseh Sogavare của Quần đảo Solomon chào đón. Chỉ vài ngày trước đó, ông này còn ngăn một tàu của tuần duyên Mỹ làm điều tương tự.
Ngoài trợ giúp y tế, nha khoa và thú y, tàu Mercy còn mang âm nhạc tới đây.
Cũng trong tháng 8, cơ quan viện trợ Mỹ USAID còn công bố Khuôn khổ Chiến lược 5 năm, trong đó có các chi tiết về cách thức Mỹ sẽ nhanh chóng khôi phục vị trí của họ trong vùng. Ba mục tiêu phát triển gồm: 1- tăng cường sự dẻo dai của cộng đồng, đặc biệt trước tình trạng biến đổi khí hậu; 2- củng cố các nền kinh tế Thái Bình Dương; 3- tăng cường quản trị dân chủ.
Khuôn khổ này trích dẫn các mục tiêu khu vực được Diễn đàn Đảo quốc đề ra trong 8 năm qua làm hướng dẫn cho khuôn khổ này trong 12 đảo quốc Thái Bình Dương. Khuôn khổ cũng có một chương trình đặc biệt để cải thiện đáng kể cuộc sống và vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong toàn khu vực.
Kế hoạch của USAID tỏ ra tham vọng ở chỗ vừa muốn chuyển đổi các xã hội bảo thủ ở Thái Bình Dương vừa muốn mang lại cho họ những cơ hội hấp dẫn hơn Trung Quốc, từ đó hạn chế khả năng phóng chiếu sức mạnh của Trung Quốc trong toàn vùng./.