Vào ngày 19/10/2022, lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố họ đã bắn rơi 223 UAV cảm tử Shahed-136 do Iran chế tạo trong vòng 36 ngày trước đó.

Theo một thông cáo từ Không quân Ukraine, các đơn vị phòng không của không quân và các thành phần khác thuộc Lực lượng quốc phòng Ukraine đã phá hủy 223 UAV đó.

Thông cáo này cũng lưu ý rằng UAV do Iran sản xuất đã lần đầu bị bắn rơi trên đất Ukraine vào ngày 13/9 ở Kupiansk. Ukraine ghi công bắn hạ các UAV này cho máy bay tiêm kích và hệ thống tên lửa phòng không của họ.

Trong khi đó, Thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ Pat Ryder vào hôm 20/10 nói rằng các UAV được Iran cung cấp cho quân đội Nga đang gây thiệt hại lớn dù Ukraine có năng lực nhất định trong việc bắn hạ các thiết bị bay này. Ông này đánh giá, UAV Nga thực sự là “mối đe dọa nghiêm trọng”.

UAV rẻ, tên lửa đắt

Thực tế trên khiến phương Tây lo ngại về tính khả thi của việc dùng tên lửa đắt tiền để đối chọi với các UAV rẻ tiền.

Theo Ukraine, các hệ thống phòng không của họ đã tiêu diệt được 85% các UAV Shahed-136 do Nga sử dụng để tấn công Ukraine. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng vấn đề không nằm ở tính hiệu quả của hệ thống phòng không Ukraine mà là ở chi phí của các tên lửa do các hệ thống phòng không đó sử dụng. Nga đang sử dụng các UAV cảm tử để tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.

William Alberque - Giám đốc Chiến lược, Công nghệ và Kiểm soát Vũ khí của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nói với EurAsian Times rằng “các UAV cảm tử giá rẻ là điều phức tạp và khó khăn; bên tấn công có thể sử dụng một số chiến thuật để tối đa hóa thiệt hại cho đối phương”.

Ông Alberque bổ sung: “Một trong các chiến thuật như thế là tấn công nhiều mục tiêu khác nhau và tấn công các mục tiêu ấy từ nhiều hướng bất ngờ thay vì tấn công trực diện, khiến cho việc phòng thủ rất khó khăn. Chiến thuật khác là sử dụng nhiều UAV để tấn công một mục tiêu đơn lẻ, lần này tấn công từ tất cả các hướng, làm tăng khả năng đánh trúng mục tiêu”.

Trên thực tế, các UAV giá rẻ mà Nga mua của Iran đã gây ra thiệt hại đáng kể cho Ukraine.

Một báo cáo gần đây cho thấy trong một trận không chiến giữa một UAV Nga và một tiêm kích MiG-29 của Ukraine, chiếc máy bay Ukraine sẽ bị hạ.

Mặc dù UAV Shahed-136 không được thiết kế để không chiến nhưng nếu máy bay tiêm kích va trực tiếp vào UAV (hoặc chỉ quẹt vào một bộ phận của UAV), chiếc máy bay có thể sẽ rơi. Điều này cho thấy nguy hiểm chết người mà các UAV loại này gây ra cho máy bay hiện đại.

Ông Alberque, trước đây từng làm Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Vũ khí, Giải giáp và Không phổ biến Vũ khí hủy diệt hàng loạt (ACDC) của khối quân sự NATO, nói rằng “việc phòng thủ trước các UAV, cũng giống như phòng thủ tên lửa, đòi hỏi các giải pháp rất tốn kém”.

Chuyên gia Alberque phân tích: “Phòng thủ trước các UAV, giống như trước các tên lửa, là khó khăn bởi vì đây là câu chuyện phụ thuộc vào bên tấn công. Lợi thế luôn nằm về phía tấn công. Ứng với 10 đô la chi cho phòng thủ, bên tấn công chỉ cần chi 1 đô la để thiết kế ra cách mới xuyên thủng hệ thống phòng thủ”.

Trước đây giới lãnh đạo quân sự Mỹ cũng nêu ra các mối quan ngại tương tự. Chẳng hạn, một vị tướng hàng đầu của Lục quân Mỹ tiết lộ vào năm 2017 rằng một UAV dân dụng có thể được phá hủy bằng cách sử dụng một quả tên lửa Patriot PAC-2 có giá nhiều triệu USD.

Bài toán bắn hạ một UAV dân dụng đã làm lộ rõ tình trạng thiếu thốn các giải pháp ngăn ngừa mối đe dọa từ các UAV vũ trang.

Hiện người ta có thể mua 1 UAV dân dụng thông qua các mạng xã hội như Amazon với chi phí 200 USD. Tuy nhiên quả tên lửa PAC-2 nói trên có giá từ 2 - 4 triệu USD.

Đáng lưu ý, gần đây có nhiều tin tức cho rằng Mỹ hoặc các đồng minh có thể trang bị cho Ukraine hệ thống phòng không Patriot.

Chuyên gia Alberque giải thích: Các nước đang hăm hở tìm kiếm các giải pháp tiên tiến để tăng cường phòng thủ trước UAV. Năng lực tác chiến điện tử lớn hơn có thể cho phép tắt “phổ điện tử” trên một khu vực địa lý rộng lớn, từ đó ngăn chặn việc điều khiển từ xa đối với UAV. Nhưng đối phương có thể vô hiệu hóa cách này bằng cách lập trình trước hành trình bay - điều có thể ít chính xác và ít linh hoạt hơn nhưng rất khó bị đánh bại.

“Một cách đối phó khác là phòng thủ điểm giá trẻ. Hệ thống Gepard là một ví dụ tốt. Với tốc độ khóa mục tiêu nhanh, nó có thể bắn hạ thật nhiều UAV với chi phí thấp”.

Nhưng Alberque vẫn cho rằng “lợi thế vẫn nghiêng về bên tấn công - họ sẽ lại tìm ra cách thức mới để vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ”.

Nga có gặp nguy cơ tương tự từ UAV?

Thực tế Nga cũng gặp phải tình cảnh tương tự. Vừa qua, Nga cũng phải sử dụng kho vũ khí tên lửa để vô hiệu hóa các cuộc tấn công bằng UAV loại nhỏ của Ukraine.

Thế nhưng Nga đang có bước tiến trong tìm ra giải pháp đối phó. Tin tức mới đây cho hay Nga đang nỗ lực phát triển tổ hợp robot chống UAV “Antimaidan-Rubezh” để chiến đấu với các thiết bị không người lái cỡ nhỏ.

Động thái trên của Nga là nhằm giảm việc phải sử dụng các tên lửa đắt tiền để chống lại UAV - cách này hiệu quả kém nếu nhìn từ góc độ kinh tế.

Vladislav Lobaev - nhà sáng lập Lobaev Arms (một trong các hãng nghiên cứu và phát triển vũ khí của Nga) trước đó nhận xét rằng sử dụng tên lửa đắt tiền trị giá 1 triệu USD để chống lại các UAV nhỏ là rất phi thực tế về mặt kinh tế.

Dự án này hiện nay đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển. Nếu hệ thống này có sự hứa hẹn lớn, người ta sẽ xúc tiến chuyển sang giai đoạn thiết kế thử nghiệm.

Hồi tháng 5, Nga tuyên bố đã triển khai một thế hệ các thiết bị laser mạnh mẽ dùng để phá hủy các drone (UAV) ở Ukraine. Tuy nhiên, các vũ khí mới này chưa được coi là hoàn toàn hoạt động được trên toàn cầu, nên chưa thể trở thành một giải pháp khả thi, vừa túi tiền để ngăn chặn các cuộc tấn công bằng UAV.

Nga vừa bắt đầu nâng cấp hệ thống phòng không để giao chiến với UAV. Các khẩu súng này rẻ hơn các hệ thống phòng không vác vai (MANPADS). Tuy nhiên, dường như cả Ukraine lẫn NATO đều chưa đầu tư nhiều vào vũ khí chuyên chống UAV.

Các nhà phân tích và quan chức ở Mỹ nói rằng kho vũ khí chính xác tầm xa của Nga đang cạn dần. Nhưng Moscow đã bác bỏ các tuyên bố đó của phương Tây và khẳng định ngành công nghiệp của Nga đang sản xuất thêm vũ khí như vậy.

Các nước lớn đã đầu tư hàng tỷ USD vào phát triển các UAV quân sự trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, các UAV dân sự cũng có thể được sử dụng cho tác chiến do giá rẻ và sự có sẵn trên thị trường toàn cầu.

Chuyên gia Alberque kết luận rằng “giải pháp tốt nhất là đầu tiên phải ngăn ngừa UAV xâm nhập chiến trường (bằng kiểm soát xuất khẩu, ngăn cấm sử dụng) hoặc tấn công các điểm phóng UAV trước khi chúng cất cánh. Nhưng cái khó là, cách thứ nhất đòi hỏi hợp tác quốc tế và chính sách thù địch, cách thứ hai đòi hỏi thông tin tình báo chính xác”.

Vị chuyên gia này kết luận: “Rõ ràng là vấn đề chống UAV sẽ vẫn còn trong thời gian tới”./.