Theo luận điểm của phương Tây, Tổng thống Nga Putin nhiều khả năng sẽ phải chấp nhận một thỏa thuận hòa bình không đáp ứng các mục tiêu ban đầu của ông và điều tốt nhất ông có thể hy vọng là một thỏa thuận nhằm khôi phục nguyên trạng – nghĩa là Moscow không giành được vùng lãnh thổ nào còn Ukrainesẽ không bị ngăn cản gia nhập NATO.

Trong bài bình luận trên National Interest, nhà phân tích Ted Galen Carpenter, thành viên cấp cao đến từ tổ chức Tư vấn CATO (trụ sở tại Washington, D.C) cho rằng, những suy đoán như vậy có thể là sai lầm bởi Nga vẫn còn rất nhiều lựa chọn tốt và một kịch bản trong số này sẽ khiến Mỹ và các đồng minh NATO bất an.

Thứ nhất, Nga có thể tiến hành một cuộc phản công tập trung vào cảng Odessa, nằm bên bờ Biển Đen. Thành phố này là cửa ngõ lớn cuối cùng kết nối Ukraine với Biển Đen. Chính vì vậy, việc Nga chiếm giữ Odessa sẽ khiến Ukraine trở thành một quốc gia không giáp biển, tạo cho Nga chỗ đứng vững chãi trên huyết mạch kinh tế của Ukraine vì phần lớn hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu của Kiev đều được thực hiện tại cảng này. Việc để mất Odessa sẽ là một đòn giáng mạnh về kinh tế và tâm lý đối với Ukraine.

Do Nga đã tái bố trí một số lượng lớn quân đội và vũ khí từ miền Đông Ukraine xuồng miền Nam nước này ngay cả trước khi Kiev phản công ở Kherson và Kharkov, nhiều khả năng Odessa sẽ là mục tiêu chính của Moscow. Do các lực lượng của Ukraine ở phía Nam đã dồn hết sức lực cho cuộc phản công những ngày qua nên họ rất khó đẩy lùi một cuộc tấn công phối hợp của Nga.

Thứ hai, Nga có thể tính đến việc tạo thế gọng kìm lớn, triển khai quân từ các khu vực mà nước này đang nắm giữ ở miền Nam Ukraine về phía Bắc, đồng thời mở cuộc tấn công mới từ lãnh thổ Nga vào phía Đông Bắc Ukraine. Mục tiêu là bao vây và phong tỏa quân đội Ukraine gần Kharkov. Nếu Nga thực hiện thành công thì đây có thể là đòn chí tử đối với nỗ lực kháng cự của Ukraine.

Tuy vậy, việc tiếp tế và triển khai hậu cầu để thực hiện một cuộc điều động quân đội như vậy trên vùng lãnh thổ rộng lớn sẽ rất khó khăn. Sau hơn 6 tháng xung đột, Nga hiện đang gặp nhiều thách thức trong vấn đề hậu cần đặc biệt khi Ukraine liên tiếp tấn công các tuyến đường tiếp tế, trung tâm chỉ huy và kho đạn dược phía sau phòng tuyến của Nga. Hạn chế này có thể khiến Điện Kremlin không mạo hiểm lựa chọn cách đánh phức tạp như vậy.

Thứ ba, Tổng thống Putin có thể ban bố lệnh tổng động viên trên toàn quốc. Cho đến thời điểm hiện tại, Nga vẫn chỉ triển khai các binh sỹ và vũ khí tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine với số lượng hạn chế. Trước những diễn biến mới trên chiến trường, ông Putin sau đó có thể thay đổi quyết định.

Cuộc xung đột đã gây ra tổn thất lớn cho quân đội Ukraine. Do dân số Nga gần gấp 3 lần so với dân số Ukraine, nên khó có khả năng Kiev sẽ đủ sức chống chịu trong một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài. Chính vì vậy, lệnh tổng động viên sẽ mang lại cho Nga một lợi thế mà Ukraine khó vượt qua.  

Thứ tư, Nga có thể quyết định phá vỡ thế bế tắc ở thời điểm hiện tại bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ khiến quân đội Ukraine bị tổn thất nặng nề, làm sụp đổ khả năng kháng cự của họ. Tuy nhiên đây sẽ là bước đi gây leo thang căng thẳng cực kỳ nguy hiểm và Tổng thống Putin chắc chắn cũng đã lường trước điều đó.

Nga nhiều lần khẳng định, Moscow sẽ để tình hình Ukraine diễn tiến theo quy luật và không sử dụng phương án hạt nhân ở nước này. Song nhiều nhà quan sát phương Tây vẫn lo ngại có những tình huống Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân, trước hết là vũ khí cấp chiến thuật. Phương Tây đánh giá nếu ông Putin nhận thấy Nga bị dồn vào chân tường, ông có thể dùng tới vũ khí hạt nhân chiến thuật như một nhân tố “thay đổi cuộc chơi” để tránh thất bại tổng thể.

Theo nhà phân tích Ted Galen Carpenter, Nga luôn coi việc Ukraine tiếp cận liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Trong trường hợp của Nga, không thể loại trừ việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để buộc NATO chấm dứt can thiệp vào tình hình Ukraine. Thời gian qua, Mỹ và đồng minh dường như đã lãng quên cảnh báo của Điện Kremlin rằng Moscow sẽ không bao giờ cho phép Ukraine trở thành thành viên của NATO. Việc sử dụng vũ khí này có thể dẫn tới nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga với Mỹ. Tuy nhiên, phản ứng của NATO đối với việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể bị hạn chế trừ khi khối này chấp nhận mạo hiểm.

Sau tất cả, Mỹ và NATO cần phải nhận ra rằng, những bước tiến của Ukraine chỉ là “khúc dạo đầu” của một cuộc chiến kéo dài và không ai có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, ông Ted Galen Carpenter lưu ý./.