Ukraine tuyên bố quân đội nước này đã buộc binh sỹ Nga phải rút khỏi khu vực Kharkov ở Đông Bắc, khiến các chỉ huy quân sự Nga phải điều chỉnh lại chiến lược và chạy đua với thời gian để tập trung lực lượng phòng thủ ở phía Đông và phía Nam.
Quân đội Ukraine cho biết đã giành quyền kiểm soát hơn 3.000km2 kể từ đầu tháng 9 đến nay. Trong bản đánh giá tình hình chiến sự ngày 12/9, Bộ Quốc phòng Anh xác nhận “Ukraine đã giành lại vùng lãnh thổ gần gấp đôi diện tích của vùng đô thị London (Great London)”, tương đương diện tích của Đảo Rhode.
Trong một nỗ lực nhằm duy trì lợi thế, các lực lượng Ukraine ngày 12/9 tiếp tục tiến sâu hơn vào vùng lãnh thổ do quân đội Nga kiểm soát trước đó. Các nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng hoạt động này đã chứng minh cho Mỹ và châu Âu thấy được, cuộc phản công của Kiev đang đạt được hiệu quả nhất định.
Ông Keir Giles, chuyên gia cấp cao của Tổ chức tư vấn Chatham House cho rằng, những diễn biến mới này là “một bước ngoặt” trong cuộc chiến. “Kiev nhiều khả năng đang cố chứng minh rằng họ có thể giành thế chủ động và giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ mà Nga đang nắm giữ với tốc độ nhanh chóng”.
Còn Viện Nghiên cứu Chiến tranh – một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington D.C. nhận định: “Ukraine đang xoay chuyển tình thế theo hướng có lợi cho nước này và Nga buộc phải phản ứng trước sức ép ngày càng tăng của đối phương thông qua một loạt hoạt động quân sự liên tiếp. Nếu như Moscow không tìm ra cách thức để giành thế chủ động thì Kiev có thể tiếp tục giữ vững lợi thế”.
Ukraine đã giành lại thành phố chiến lược Izyum, nơi từng là bàn đạp cho nỗ lực tiến công của Nga ở Donbass từ phía Bắc. Việc để mất thành phố này sẽ khiến Nga gặp nhiều khó khăn hơn trong nỗ lực kiểm soát hoàn toàn Donbass.
Giới phân tích cho rằng, Nga tập trung quá nhiều nguồn lực cho khu vực Donbass, khiến đà tiến công của họ tại các khu vực khác bị chững lại trong nhiều tháng qua. Và khi Ukraine tiến đánh miền Nam, Moscow buộc phải tìm cách củng cố hàng phòng thủ. Hiện Nga đang thiếu nhân lực, một phần do giao tranh kéo dài khiến cả hai phía tổn thất nặng nề, một phần do Tổng thống Putin chưa ban bố tình trạng tổng động viên.
Việc Nga rút lực lượng ra khỏi Kharkov tới các mặt trận khác có khả năng tạo cơ hội cho Kiev tiến hành cuộc tấn công tại khu vực này – nơi mà tuyến phòng thủ của Nga đang rất mỏng manh. Một số nơi khác mà Nga đang kiểm soát cũng dễ bị đưa vào tầm ngắm là thành phố Kherson và khu vực xung quanh bờ Tây sông Dnipro – nơi Ukraine đã nỗ lực tấn công các tuyến đường tiếp tế của Nga trong những tuần qua.
Trong một bình luận trên Twitter, ông Mick Ryan – chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đánh giá: “Do việc tái bố trí lực lượng và rút khỏi phía Đông Bắc, Nga có rất ít sự lựa chọn. Các cứ điểm của họ ở phía Đông rất dễ bị tổn thương, đòi hỏi phải bố trí lại đáng kể tuyến phòng thủ và hậu cần”.
Mặc dù Nga đang rơi vào tình thế bất lợi và Ukraine đã đạt được một số bước tiến nhất định, nhưng những diễn biến mới trên chiến trường không đồng nghĩa với việc Ukraine đang đi trên con đường có thể dẫn tới thành công. Viện Nghiên cứu Chiến tranh lưu ý: “Ukraine đang dần thoát khỏi tình thế bất lợi nhưng cuộc phản công hiện tại của họ sẽ không thể chấm dứt xung đột”. Nga vẫn kiểm soát khoảng 1/5 diện tích lãnh thổ Ukraine và điều này nhiều khả năng xu hướng đó sẽ còn tiếp tục cho đến năm 2023.
Điện Kremlin ngày 12/9 khẳng định, Tổng thống Putin sẽ không lùi bước trước cuộc phản công của Ukraine. Phát biểu với báo chí, Người Phát ngôn của Điện Kremlin cho biết: “Chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ tiếp tục được thực hiện cho đến khi nào Nga đạt được tất cả các mục tiêu đặt ra”.
Để có thể kéo dài cuộc phản công, Ukraine cần có sự hỗ trợ liên tục từ phía phương Tây. Trong khi đó, Kiev cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Chuyên gia Keir Giles cho rằng, các binh sỹ Ukraine gần như đã “kiệt sức” sau hơn 200 ngày giao tranh. Sự mệt mỏi về tinh thần và thể chất kéo dài sẽ làm giảm sức chiến đấu của họ. Chưa kể, những thành phố mà quân đội nước này giành quyền kiểm soát từ Nga đang bị tạm thời mất nguồn cung điện và nước và liên tục hứng chịu các đợt pháo kích.
Ngoài ra, Kiev sẽ phải đối mặt với thách thức lớn trong những tháng mùa Đông do thiếu nhiên liệu sưởi ấm, địa hình khó di chuyển do băng tuyết và cuộc chiến năng lượng với Nga khiến châu Âu phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, gây áp lực lớn đối với các hộ gia đình, làm giảm quyết tâm của phương Tây trong việc hỗ trợ Ukraine./.