Phát biểu tại họp báo chung với người đồng cấp Nam Phi Naledi Pandor ở thủ đô hành chính Pretoria, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết, Mỹ đang tìm kiếm mối quan hệ đối tác thực chất với châu Phi, thay vì cạnh tranh sức ảnh hưởng với những cường quốc khác tại châu lục này. Ông nhấn mạnh Mỹ không coi châu Phi là “sân chơi mới nhất trong cuộc đua giữa các cường quốc”.
“Thông thường, các quốc gia châu Phi được coi là công cụ cho các quốc gia khác đạt được sự tiến bộ chứ không phải là cho chính các nước này. Hết lần này đến lần khác, họ được yêu cầu chọn một bên trong các cuộc tranh giành quyền lực. Mỹ sẽ không ra lệnh buộc Châu Phi phải chọn phe và bất kỳ ai khác cũng vậy. Quyền đưa ra những lựa chọn này thuộc về người Châu Phi và chỉ người dân Châu Phi”, ông Blinken nhấn mạnh.
Trước đó, tại cuộc gặp Ngoại trưởng Nam Phi Pandor, ông Blinken nhấn mạnh, dựa trên mối quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ với Nam Phi, hai bên có thể trao đổi thẳng thắn về những điểm khác biệt. Tuy nhiên, bà Pandor từ chối đề cập vấn đề về cuộc xung đột Nga và Ukraine mà thay vào đó, nhấn mạnh đến những vấn đề mà hai bên quan tâm.
“Mỹ là một trong những đối tác quan trọng nhất của Nam Phi. Tôi đánh giá cao cam kết mà ngài Ngoại trưởng đã tuyên bố về việc mở rộng quan hệ song phương. Mối quan hệ đã được hun đúc giữa Mỹ và Nam Phi trong quá trình đấu tranh vì dân chủ và công bằng sắc tộc ở đất nước của chúng tôi là mối quan hệ lâu bền, tạo ra nền tảng vững chắc để thúc đẩy hai nước tiến tới hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa và du lịch”, Ngoại trưởng Nam Phi Pandor nói.
Sau Nam Phi, Ngoại trưởng Mỹ sẽ tới Cộng hòa Congo và Rwanda. Chuyến công du châu Phi của Ngoại trưởng Blinh-cừn được nhận định là nhằm cạnh tranh với ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc trong khu vực. Quan hệ thương mại Trung Quốc-châu Phi ngày càng gia tăng. Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại châu Phi. Trong khi đó, nhiều nước châu Phi đứng vị trí trung lập về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Điều này khiến Mỹ cho rằng, Nga sử dụng các mối quan hệ an ninh và kinh tế, cũng như thông tin sai lệch, để giảm bớt sự phản đối của các nước châu Phi đối với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Với việc liên tiếp được các nhà lãnh đạo, quan chức hàng đầu của các cường quốc đến thăm, châu Phi đang chứng minh được tầm quan trọng của châu lục này trong cán cân quyền lực toàn cầu cũng như trong sự cạnh tranh giữa các cường quốc.
Trong động thái mới nhất, khi chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken đang diễn ra, Nhà Trắng đã công bố chiến lược mới đối với châu Phi. Theo đó, Mỹ cam kết hỗ trợ châu Phi trong một loạt vấn đề từ biến đổi khí hậu, phục hồi sau đại dịch COVID-19 đến mất an ninh lương thực, đồng thời hướng đến việc tăng cường nỗ lực chống khủng bố thông qua cách tiếp cận phi quân sự.
Theo văn kiện về chiến lược này, bên cạnh việc tăng cường thương mại và tạo thêm việc làm, việc hỗ trợ ngành y tế và kinh tế phục hồi sau đại dịch là điều kiện tiên quyết để giành được lòng tin của châu Phi. Tổng thống Mỹ Biden thậm chí còn thông báo đang lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh cho các nhà lãnh đạo châu Phi tại Washington từ ngày 13-15/12 để “thể hiện cam kết của Mỹ đối với châu Phi”./.