Kể từ tháng 5/2022, Ngân hàng trung ương Malaysia (BNM) đã tăng mức lãi suất cơ bản thêm 100 điểm, lên mức 2,75%. Theo BNM, việc điều chỉnh tỷ giá được tiến hành không theo bất kỳ lộ trình định sẵn nào, phụ thuộc vào điều kiện phát triển, tình hình tăng trưởng cũng như lạm phát của Malaysia, nhằm ngăn ngừa rủi ro áp lực giá cả tăng cao do nhu cầu vượt quá mức cho phép.
Tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ của BNM chậm hơn so với một số Ngân hàng trung ương ở các quốc gia khác nhờ các biện pháp trợ cấp và kiểm soát giá cả chặt chẽ đã giữ cho mức lạm phát trong tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, tỉ lệ lạm phát tại Malaysia đang có xu hướng tăng lên, với chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 9 tăng 4,5% so với một năm trước đó, dù có giảm nhẹ so với tỉ lệ 4,7% trong tháng 8. Chính phủ Malaysia dự kiến tỉ lệ lạm phát trung bình duy trì ở mức 3,3% trong năm nay.
Nền kinh tế Malaysia đã phục hồi mạnh mẽ sau những suy thoái do đại dịch gây ra kể từ khi nước này mở cửa biên giới trở lại vào tháng 4, ghi nhận mức tăng 8,9% trong quý II, cũng là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong một năm.
BNM cho biết các chỉ số mới nhất cho thấy hoạt động kinh tế được tăng cường hơn nữa trong quý III, bất chấp nhu cầu bên ngoài dự kiến sẽ giảm sau khi tăng trưởng toàn cầu giảm.
Tháng trước, chính phủ Malaysia đã điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng năm 2022 trong khoảng 6,5% -7%, cao hơn mức 5,3% - 6,3% được dự báo trước đó, dù nền kinh tế được cho là sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm tới, duy trì ở mức 4% -5%.
BNM đưa ra quyết định tăng lãi suất sau khi đồng ringgit của Malaysia rớt xuống mức thấp nhất trong 24 năm qua. Đồng ringgit dự kiến sẽ phải chịu thêm nhiều áp lực trong bối cảnh Mỹ tiếp tục thắt chặt chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại trong khi rủi ro chính trị lại không ngừng gia tăng./.