Ông Farhan Haq- phó phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, trong một tuyên bố nêu rõ, các văn phòng của Liên Hợp Quốc tại Thái Bình Dương đang theo dõi chặt chẽ tình hình và luôn sẵn sàng hỗ trợ nếu được yêu cầu. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đồng thời đánh giá cao việc các nước đề nghị hỗ trợ Tonga đối phó với thảm họa.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thông báo chính phủ nước này vừa cung cấp khoản viện trợ ban đầu là 500.000 dollar New Zealand (340.000 USD) để hỗ trợ Tonga. Theo Thủ tướng Ardern, sóng thần đã ảnh hưởng đáng kể đến một phần bờ biển của Tonga, nhiều tàu thuyền và các tảng đá lớn trôi dạt vào bờ trong khi nhiều cửa hiệu dọc theo bờ biển bị hư hại. New Zealand đang xem xét việc triển khai tàu hải quân tới hỗ trợ Tonga nếu cần thiết và hiện đang chờ đợi phản hồi từ chính quyền Tonga xem có đưa ra bất kỳ yêu cầu trợ giúp nào hay không.

Australia cũng sẵn sàng trợ giúp Tonga ứng phó với tình hình. Dự kiến trong ngày hôm nay, chính phủ Australia có thể thông báo những hỗ trợ dành cho quốc đảo Thái Bình Dương này. Hiện Bộ các vấn đề đối ngoại và thương mại của Australia cũng đã thiết lập đường dây hỗ trợ để đảm bảo an toàn của công dân nước này cùng bạn bè và gia đình tại Tôn-ga trong tình huống khẩn cấp.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình của người dân Tonga, cam kết sẵn sàng hỗ trợ đảo quốc Thái Bình Dương vượt qua thiên tai.

Vụ phun trào của núi lửa Hunga Tonga-Hunga Haʻapai trong lòng Thái Bình Dương mạnh đến mức tạo nên chấn động lan tỏa khắp thế giới. Thủ đô Nuku'alofa của Tonga hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng. Hiện vẫn chưa có thông tin thương vong vì hệ thống viễn thông bị đánh sập, chưa khôi phục được liên lạc./.