Theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia vào ngày 14/11 tới. Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận những nỗ lực nhằm duy trì và làm sâu sắc mối liên lạc, cũng như tìm cách quản lý cuộc cạnh tranh một cách có trách nhiệm và làm việc cùng nhau trong những vấn đề có lợi ích song hành, đặc biệt là các thách thức tác động đến cộng đồng quốc tế. Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ.
Diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ - Trung đã trượt xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua, nhất là sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 8 vừa qua, cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo cấp cao Mỹ - Trung đều được giới chức hai nước đánh giá rất cao.
Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra hôm qua, cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan nói: “Cuối ngày 14/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ họp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập cận Bình. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập cận Bình gặp trực tiếp kể từ khi ông Biden trở thành Tổng thống. Hai nhà lãnh đạo sẽ có cơ hội trao đổi về nhiều vấn đề trên thế giới”.
Về phía Trung Quốc, tại cuộc họp báo hôm qua (10/11), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định, Trung Quốc coi trọng đề nghị của Mỹ về việc tổ chức cuộc gặp giữa hai nguyên thủ quốc gia ở Bali. Hiện tại, hai bên đang duy trì liên lạc trong vấn đề này. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, Đài Loan (Trung Quốc) vẫn là cốt lõi trong các lợi ích của Trung Quốc và Mỹ cần hiểu lập trường này của Trung Quốc.
“Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ vẫn duy trì tiếp xúc theo nhiều cách. Trung Quốc đánh giá cao đề xuất tổ chức cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại Bali. Đài Loan là cốt lõi trong các lợi ích của Trung Quốc. Nguyên tắc “một Trung Quốc” là nền tảng chính trị giữa quan hệ Trung Quốc và Mỹ. Mỹ cần tuân thủ các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế, bao gồm tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các nước khác và không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác cũng như quay trở lại 3 thông cáo chung đã có giữa hai nước cũng như nguyên tắc “một Trung Quốc”.
Cuộc gặp sắp tới diễn ra trong bối cảnh, ông Tập Cận Bình vừa đắc cử chức Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc nhiệm kỳ thứ ba. Trong khi đó, ông Joe Biden được dự báo là sẽ gặp khó khăn hơn trong 2 năm tới sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ trong trường hợp đảng Cộng hòa có khả năng giành quyền kiểm soát một trong hai, hoặc cả 2 viện của Quốc hội. Việc cả hai bên cùng tìm kiếm cơ hội giảm căng thẳng, ổn định mối quan hệ là điều dễ hiểu bởi thực tế Trung Quốc vẫn là một đối thủ chiến lược và là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ.
Theo đánh giá của giới phân tích, không nhiều kỳ vọng cuộc gặp sẽ mang lại những kết quả lớn hay giúp giảm căng thẳng, tháo gỡ các vấn đề, song đây là cơ hội để lãnh đạo hai nước có thể đi đến sự thấu hiểu chung về những ưu tiên cũng như ý định của bên còn lại, qua đó làm giảm bớt những hiểu lầm và nhận thức sai lầm./.