Theo đó, 3 vấn đề hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc bao gồm an ninh lương thực, tài chính và đảm bảo hòa bình, an ninh khu vực. 

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-ASEAN lần thứ 25 diễn ra tại Phnom Penh (Campuchia), Tổng thống Jokowi nhấm mạnh, điều đầu tiên là phải đảm bảo vấn đề an ninh lương thực. Với dân số hơn 2 tỷ người, đảm bảo nguồn lương thực và khả năng tiếp cận là nhiệm vụ khó khăn đối với ASEAN và Trung Quốc. An ninh lương thực khu vực là ưu tiên chính hiện nay và khu vực này vẫn dễ đối mặt với gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm. 

Hiện ASEAN là một trong những khu vực tiêu thụ lúa mì và đậu tương lớn nhất thế giới, chi ít nhất 61 tỷ USD để nhập khẩu lương thực. Trong khi đó Trung Quốc có khả năng lớn để tăng cường an ninh lương thực chiến lược. Do đó ASEAN và Trung Quốc phải hợp tác để đảm bảo chuỗi cung ứng và ổn định giá lương thực.

Tổng thống Widodo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì ổn định tài chính khu vực trước nguy cơ suy thoái toàn cầu, đang đặt ra thách thức chung đối với cả hai bên. Do đó hợp tác cũng là một trong số các lựa chọn để hai bên đối phó với tình hình. Thông qua sức mạnh chính sách tổng hợp, ASEAN và Trung Quốc có thể đảm bảo những bước đi hiệu quả để ngăn chặn suy thoái.

Vấn đề hợp tác thứ 3 là khuyến khích hòa bình và duy trì ổn định khu vực. Theo ông Jokowi, là một quốc gia lớn trong khu vực, Trung Quốc có trách nhiệm thúc đẩy một môi trường thuận lợi và hòa bình. Điều này có thể đạt được bằng cách xây dựng lòng tin chiến lược và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Hai điều này sẽ là cơ sở để kiểm soát cạnh tranh khu vực cũng như giải quyết vấn đề Biển Đông, tạo ra một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là trung tâm tăng trưởng của thế giới./.