Các báo cáo cho hay, nhiều phiến binh IS bị bắt và hành quyết bằng nhiều hình thức khác nhau sau chiến thắng quân sự của Iraq tại Mosul – thủ phủ trước đây của IS.

hanh_quyet_is_wgmh.jpg
Hình ảnh trích xuất từ một video ghi lại cảnh một nam giới mặc quân phục Iraq nổ súng bắn hạ một người đang quỳ. Nguồn: AP.

Tâm lý trả thù mãnh liệt

Theo APDaily Mail, rất nhiều tù binh là IS đang bị giam giữ ở Mosul (Iraq) trong những căn phòng nhà tù nóng 45 độ C mà không có điện hay hệ thống thông hơi.

Một sĩ quan Iraq tiết lộ với phóng viên rằng trong hàng ngũ binh sĩ Iraq xuất hiện tâm lý trả thù rất mạnh. Bản thân anh này cũng coi chiến binh IS “không phải là người”.

Viên sĩ quan này tiết lộ thêm rằng anh ta đã thẩm vấn một nghi phạm IS rồi “cho hắn đi chầu Diêm vương”. Anh ta khẳng định các phiến quân IS đáng tội chết.

Nói chuyện với AP, 4 sĩ quan Iraq khác (thuộc quân đội hoặc cảnh sát) công khai thừa nhận chuyện binh sĩ của họ đã giết các nghi phạm IS bị bắt giữ và không có vũ khí trong tay. Và những sĩ quan này đã bào chữa cho các hành động hành quyết đó.

Theo các sĩ quan nói trên, phiến quân IS cần phải bị miễn trừ các quy tắc chiến tranh bởi lẽ sự cai trị của IS ở Iraq quá tàn độc.

Một sĩ quan cao cấp Iraq khác cho biết, tại các trung tâm tầm soát an ninh bên trong và xung quanh Mosul, lính của ông đều đặn giết những kẻ bị tố là IS trong quá trình dân thường bỏ chạy khỏi thành phố Mosul.

Ông này kể: “Khi cả một nhóm dân thường nào đó bảo với chúng tôi rằng, gã đàn ông này là Daesh (IS), thì vâng, chúng tôi bắn y luôn”.

Viên sĩ quan nói thêm: “Khi anh gặp một kẻ đã giết bạn bè, gia đình mình, thì binh sĩ thường không kiềm chế được. Đối với chúng tôi, đây là vấn đề riêng tư”.

Tuy nhiên, việc tàn sát này có nguy cơ đẩy Iraq trở lại vòng xoáy bạo lực đã hoành hành ở Iraq trong suốt một thập kỷ.

Lo sợ phiến quân IS hối lộ để được ra tù

Trong khi đó, trong loạt phóng sự về sự thất thủ của Mosul, nhà báo Patrick Cockburn của tờ Independent đã phân tích lý do xảy ra nhiều vụ hành quyết không qua xét xử nhằm vào các phiến quân IS bị bắt làm tù binh tại mặt trận này.

Các lực lượng vũ trang Iraq đã tiêu diệt các tù binh là chiến binh IS bởi vì họ tin rằng nếu các chiến binh được đưa tới các nhà tù, chúng sẽ hối lộ giới chức ở Baghdad để đổi lấy tự do.

Một nguồn tin Iraq nói: “Đó là lý do vì sao các quân nhân Iraq ưa thích việc bắn bỏ các tù binh này hoặc quẳng chúng từ tầng trên các nhà cao tầng xuống đất”.

Một cựu quan chức cấp cao Iraq cho biết, ông có thể nêu đích xác số lượng tiền mà một thành viên IS cần chi ra để “mua” các giấy tờ cho phép y đi lại tự do trong lãnh thổ Iraq.

Niềm tin của các binh sĩ và dân quân Iraq rằng chính quyền nước họ tham nhũng đến mức không thể giam giữ được các phiến quân IS là một lý do giải thích tình trạng có nhiều thi thể IS bị bắn vào đầu hoặc cơ thể, với tay trói quặt sau lưng, trôi xuôi dòng Tigris từ Mosul xuống.

Tất nhiên động cơ của các vụ hành quyết “ngoài luồng” này là do sự hận thù của những người lính Iraq trước các tội ác khủng khiếp trước đây của IS. Nhưng việc thiếu niềm tin vào hệ thống tư pháp Iraq đã tạo điều kiện đẩy mạnh các vụ thủ tiêu này.

Nỗi lo sợ ám ảnh vào cuối cuộc chiến khốc liệt ở Mosul lý giải phần nào việc có rất nhiều người Iraq tin rằng các thành viên IS nguy hiểm luôn có thể hối lộ để đổi lấy tự do.

Hàng chục đoạn “post” trên các mạng xã hội ở Baghdad cáo buộc những kẻ đánh bom tự sát đã bị lực lượng an ninh chặn được nhưng rồi lại được thả tự do vì chúng đã đưa tiền cho họ.

Một chia sẻ trên mạng xã hội: “Ở Baghdad, chúng ta chết vì tham nhũng”. Một đoạn tweet khác viết: “Daesh (tức IS) lót tiền cho chính phủ và chúng thoải mái giết hại chúng ta ở Baghdad”.

Các nỗi lo sợ như trên có thể đã bị phóng đại nhưng không phải là không có cơ sở. IS có thể đã hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề ở Mosul nhưng vẫn duy trì được hoạt động.

Một quan chức cao cấp người Kurd cho biết: “Gần đây, trong lễ tang một thủ lĩnh của một bộ lạc Shammar ở Rabia, không dưới 17 kẻ đánh bom liều chết đã bị phát hiện ra. Điều này cho thấy chúng có thể lên kế hoạch và tiến hành các chiến dịch tấn công kể cả khi bị suy yếu”.

Các cư dân chống IS ở Mosul hiện đang đưa ra những lời cáo buộc tương tự.

Saleem Mohammed, một cư dân ở quận Nabi Yunus thuộc đông Mosul, than phiền: “Tôi biết 2 gã ở quận tôi, chúng là những phần tử Daesh (IS) khét tiếng nhưng mới đây đã được chính phủ phóng thích”.

Saleem kể tiếp: “Một trong 2 gã này thường đi tuần cho Daesh ở các chợ để săn lùng những ai hút thuốc”.

Anh này cho biết thêm rằng người dân kinh sợ trước việc những kẻ từng hợp tác với IS đã được thả tự do lại chính là thành viên của các ổ nhóm IS nằm vùng hoặc được tuyển làm gián điệp cho chính phủ Iraq.

Theo Saleem, một nguyên nhân quan trọng của sự thiếu tin tưởng giữa những người chống IS và những kẻ gia nhập hoặc hợp tác với IS nằm ở chỗ, nhóm thứ 2 thường có công việc kinh doanh phát đạt trong 3 năm IS cầm quyền.

Saleem nói, “nhiều kẻ cộng tác với IS có cửa hàng ở chợ, người dân mua hàng của chúng”.

Anh này biết một gã đàn ông vốn nghèo xác xơ trước khi IS ập tới Mosul nhưng sau đó đã hốt bạc khi làm bảo vệ cho các chốt kiểm soát của IS. Tại các chốt này, IS thu được nhiều tiền hối lộ từ những người dân muốn đi lại tự do. Gã đàn ông này đã bị bắt, được thả và giờ thì đã cùng gia đình chuyển sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Các chỉ huy và binh lính IS thường xuất thân từ các ngôi làng Sunni nghèo khó toàn những túp lều ở ngoại ô Mosul. Khi những tên IS này kiểm soát được Mosul, đã xảy ra sự thù địch giữa chúng và những cư dân bản xứ của thành phố này.

Saleem kể: “Điều cực kỳ gây phẫn nộ ở Mosul là những gia đình IS khá giả được thả ra và quay về sống tại các căn hộ tiện nghi đầy đủ, trong khi những người nghèo vẫn phải sống trong các trại tạm bợ”.

Tình hình ở đông Mosul khá hơn ở nửa phía tây của thành phố do khu vực này giàu có hơn, ít bị tàn phá bởi không kích và pháo kích, và được giải phóng khỏi IS trước nửa còn lại tới 6 tháng.

Mặc dù chính phủ Iraq tuyên bố đã giành chiến thắng hoàn toàn trước IS ở Thành Cổ Mosul (thuộc tây Mosul), thi thoảng vấn có tiếng súng rộ lên hay tiếng máy bay không kích.

Hiện đang có một dòng lớn người dân vượt sông Tigris từ tây Mosul (hứng chịu nhiều thiệt hại trong trận chiến tại đây) sang đông Mosul chưa bị tàn phá nhiều, nơi có điện nước tương đối đầy đủ./.