LTS:
Dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu cụ thể thêm về binh lực của Trung Quốc và những yếu kém của nó qua nghiên cứu của nhà báo này.
***
(Phần 2)
Đội hình chiến đấu có vẻ hùng hậu...
Trung Quốc có lực lượng quân đội đông nhất thế giới, không dưới 2,3 triệu quân nhân thường trực. Ngoài ra họ còn có thêm 800.000 người trong lực lượng dự bị và dân quân.
Những lực lượng trên bộ này đa phần là để phòng thủ trong nước. Đối với việc triển khai sức mạnh bên ngoài biên giới, Trung Quốc có 3 sư đoàn không vận, 2 sư đoàn thủy quân lục chiến, và 3 lữ đoàn thủy quân lục chiến. Các thiết bị chủ lực bao gồm hơn 7.000 xe tăng và 8.000 khẩu pháo.
Hải quân Trung Quốc có trong biên chế 255.000 thủy thủ và 10.000 lính thủy đánh bộ. Hải quân PLA chia thành Hạm đội Bắc, Đông và Nam. Họ sở hữu một tàu sân bay, 23 khu trục hạm, 52 hộ tống hạm, 49 tàu ngầm tấn công diesel, và 5 tàu ngầm tấn công hạt nhân. Trung Quốc có ít nhất 3 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Jin, đại diện cho sức mạnh răn đe của Bắc Kinh trên biển.
Không quân PLA có 330.000 quân nhân thường trực bố trí trong hơn 150 căn cứ của không quân và căn cứ hàng không của hải quân. Không quân PLA và nhánh hàng không của Hải quân PLA cùng sở hữu 1.321 chiến đấu cơ và máy bay tấn công, bao gồm hàng trăm chiếc J-7, cộng 134 máy bay ném bom hạng nặng và máy bay chở nhiên liệu, cùng với 20 máy bay cảnh báo sớm. Trung Quốc cũng vận hành hơn 700 trực thăng chiến đấu.
PLA có Quân đoàn “Pháo binh Thứ 2” – một nhánh độc lập phụ trách các tên lửa thông thường và hạt nhân trên bộ. Lực lượng này có từ 90.000 đến 120.000 nhân viên, chia làm 6 lữ đoàn tên lửa.
Quân đoàn Pháo binh Thứ 2 có hơn 1.100 tên lửa đạn đạo tầm ngắn thông thường với cự ly bắn xấp xỉ 1.000km, 300 tên lửa đạn đạo tầm trung thông thường, và ước tính khoảng 120 tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm xa.
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ước tính ngân sách quốc phòng Trung Quốc vào năm 2013 là vào khoảng 188 tỷ USD, tức là bằng khoảng 9% tổng chi phí quân sự toàn cầu và gần suýt soát một nửa tổng chi phí châu Á. Cùng năm này, Mỹ chi 640 tỷ USD cho quốc phòng, Nga 88 tỷ USD, Ấn Độ là 47 tỷ USD và Nhật Bản là 48 tỷ USD.
“Bộ sưu tập đồ cổ”
Bất kể việc ngân sách quốc phòng gia tăng không ngừng, kho vũ khí của Trung Quốc vẫn đầy rẫy hàng “quá đát”. PLA sở hữu 7.580 xe tăng đánh trận - nhiều hơn con số của Mỹ. Nhưng chỉ có 450 chiếc trong đó – loại 98A và 99, là còn khả dĩ hiện đại, được trang bị pháo 125mm, giáp composite, và các hệ thống kiểm soát hỏa lực tiên tiến. Trong khi đó, tất cả số 5.000 xe tăng M-1 của Mỹ đều hiện đại.
Trung Quốc cũng có nhiều máy bay chiến đấu. Tính cả lực lượng không quân chung của toàn quân và không quân của riêng hải quân, Trung Quốc sở hữu tới 1.321 chiến đấu cơ – số lượng chỉ kém phía Mỹ một chút.
Tuy nhiên không quân Trung Quốc cũng đa phần bảo dưỡng các máy bay lỗi thời. Trong tổng số 1.321 máy bay chiến đấu, chỉ có 502 chiếc là hiện đại – bao gồm 296 chiếc là phiên bản biến thể của Su-27 của Nga, và 206 chiếc J-10 thuộc nhóm tự thiết kế. Số 819 chiến đấu cơ còn lại, bao gồm hầu hết là kiểu J-7, J-8 và Q-5, là các mẫu thiết kế từ những năm 1960 và được chế tạo vào thập niên 1970.
Hải quân Trung Quốc là ở trong tình trạng “khá” nhất. Các khu trục hạm và hộ tống hạm tương đối mới nhưng chiếc tàu sân bay Liêu Ninh là một tàu “bãi rác” thời Xô viết được tân trang lại. Sau 9 năm chỉnh sửa, tàu Liêu Ninh đã được đưa vào thử nghiệm ngoài biển vào năm 2011.
Tàu Liêu Ninh bằng nửa kích cỡ của một siêu hàng không mẫu hạm lớp Nimitz của Mỹ, và chỉ chở được một nửa số máy bay mà tàu Mỹ chở được. Do tàu sân bay Liêu Ninh thiếu máy phóng máy bay, các chiến đấu cơ hải quân J-15 phải sử dụng một đầu dốc ở cuối đường băng để cất cánh, và do vậy bị giới hạn về tầm bay và lượng tải. Tàu Liêu Ninh thiếu radar và phi cơ tiếp nhiên liệu, chính điều này đã mang lại cho tàu sân bay Mỹ lợi thế tấn công ở cự ly xa.
Số tàu ngầm còn lại của Trung Quốc, đặc biệt là những con tàu vào thập niên 1980, là hoàn toàn cổ lỗ sĩ.
Hải quân PLA đã ngừng sản xuất lớp Thương chạy bằng hạt nhân sau khi chỉ chế tạo có 3 tàu thuộc lớp này. Ngoài ra, Bắc Kinh đã đặt hàng với Nga để mua tới 4 chiếc tàu ngầm lớp Kalina – dấu hiệu cho thấy người Trung Quốc thiếu tin tưởng vào các thiết kế “cây nhà lá vườn”.
Tự sản xuất vũ khí hiện đại
Một trong những dấu hiệu dễ thấy nhất về sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc là các vũ khí mới tự thiết kế và sản xuất ở trong nước. Bắc Kinh đang tích cực chế tạo chiến hạm, máy bay, phi cơ không người lái và xe tăng mới – những vũ khí này bề ngoài có vẻ sánh ngang hàng với vũ khí phương Tây. Nhưng chúng ta biết rất ít về các vũ khí tự chế của Trung Quốc, và cách vận hành trong thực tế của các thiết bị này.
Mong muốn hiện đại hóa quân đội, vào những năm 1980, Trung Quốc tăng cường quan hệ với các nhà thầu quốc phòng phương Tây. Bắc Kinh mua máy bay trực thăng, phi cơ, động cơ, thiết bị điện tử hải quân và đạn dược.
Thế nhưng sau biến cố 1989 trên quảng trường Thiên An Môn, Mỹ và châu Âu đã cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc.
Thế là Trung Quốc quay sang Nga, nhưng Nga thà bán thành phẩm cho Trung Quốc còn hơn giúp nước láng giềng này phát triển ngành công nghiệp quốc phòng riêng. Bắc Kinh nhận thức được rằng họ sẽ phải phát triển vũ khí hoàn toàn dựa vào sức mình.
Điều này không dễ. Trên toàn cầu, chỉ có Mỹ vẫn có đầy đủ công nghệ, kiến thức chuyên sâu và năng lực công nghiệp để phát triển toàn bộ kho vũ khí của riêng mình. Điều này hiển nhiên là rất tốn kém.
Tất nhiên không phải tất cả các vũ khí mới của PLA là hàng nhái. Nhưng hàng “của nhà trồng được” thường không đảm bảo chất lượng tương xứng.
Chẳng hạn, chiếc chiến đấu cơ J-20 tàng hình đã bay khá nhiều chuyến thử nghiệm kể từ khi xuất hiện vào cuối năm 2010. Cỗ máy to lớn, góc cạnh này tỏ ra bay được cự ly xa và chở được nhiều đạn dược nhưng rất khó đo được mức độ tàng hình của nó. Thiết bị điện tử, hệ thống điều khiển khí động học, vũ khí và cảm biến, đặc biệt là các động cơ của nó đều có vấn đề này nọ.
Có dấu hiệu cho thấy các nhà thiết kế máy bay J-20 đang chờ đợi có động cơ mới do Trung Quốc phát triển để thay thế các động cơ AL-31N do Nga chế tạo.
Xin lưu ý, chiếc chiến đấu cơ F-35 Joint Strike mới nhất của Mỹ lần đầu bay vào năm 2006 và sẽ phải đến tận năm 2016 mới đáp ứng được yêu cầu sẵn sàng chiến đấu. Mà đấy là Mỹ có kinh nghiệm phát triển các chiến đấu cơ tàng hình (Trung Quốc thì không). Nếu giả sử Trung Quốc chỉ mất có 10 năm tính từ chuyến bay đầu tiên cho tới khi sẵn sàng chiến đấu, chiếc J-20 vẫn sẽ không nằm trong đội hình chiến đấu cơ tuyến đầu trước năm 2016 (sớm nhất).
Các thông số của khu trục hạm phòng không kiểu 052C/D của hải quân PLA khiến cho những chiếc tàu này rất giống tàu phương Tây, như là chiếc Darings của Anh và chiếc Arleigh Burkes của Mỹ. Nhưng chúng ta chưa rõ lắm về mức độ phối hợp giữa hệ thống phòng không và hệ thống radar mảng pha quét điện tử đi kèm, cũng như mức độ tin cậy và chính xác của các tên lửa trên tàu.
Nói về chuyện phát triển vũ khí, Trung Quốc tụt hậu so với Nga và phương Tây rất nhiều và vẫn đang nỗ lực để theo kịp họ.
Về mặt quân sự, khi nào thì Trung Quốc đuổi kịp Mỹ?
Câu trả lời rất khó nói. Câu cửa miệng của giới quan sát tình hình Trung Quốc là “Trung Quốc sẽ già đi trước khi trở nên giàu có”.
Chính sách “một con” của Trung Quốc đã làm xu hướng già hóa càng mạnh thêm. Hiện nay Trung Quốc có 16 người hưu trí trên 100 lao động. Triển vọng sẽ là 64 người hưu trí trên 100 lao động vào năm 2050.
Điều này có ảnh hưởng gián tiếp nhưng nghiêm trọng tới khả năng phòng thủ của Trung Quốc. Đa phần người dân Trung Quốc không có tiền lương hưu và khi già cả, họ phải dựa vào tiền tiết kiệm - tình hình càng khó khăn hơn khi họ chỉ có 1 đứa con chăm sóc cho cả hai bố mẹ.
Trung Quốc là một cường quốc với nhiều vấn đề nội tại, trong đó có những cái rất khó giải quyết như là bài toán nhân khẩu nói trên.
Trong khi đó, hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đã khiến nhiều nước láng giềng của nước này phải dè chừng. Từ sự dè chừng đó, họ đi tới chỗ kết nối lại và tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh lớn hơn, mạnh hơn.
Nhật Bản hiện là trung tâm cho rất nhiều hợp tác như thế giữa các nước láng giềng của Trung Quốc. Nhật Bản đang chủ động xây dựng quan hệ không chỉ với phương Tây mà còn cả hàng loạt nước láng giềng của Trung Quốc.
Nội dung quan hệ bao gồm hợp tác hậu cần, cùng phát triển thiết bị quân sự, chia sẻ thông tin tình báo, tập trận chung, và trợ giúp liên quan tới an ninh.
Thực tế trong các nước láng giềng của Trung Quốc, có những nước đã mua được phương tiện còn hiện đại hơn cả vũ khí của hải quân Trung Quốc.
Riêng Philippines, bị kẹt trong thế đối đầu với Trung Quốc về một số bãi cạn, đã bắt đầu xốc lại lực lượng hải quân và không quân của mình, mua thêm tàu cũ của Mỹ và máy bay chiến đấu của Hàn Quốc. Manila cũng đồng ý cung cấp căn cứ trên lãnh thổ của mình cho quân đội Mỹ./.
***
>> Xem kỳ 1: Các điểm yếu của quân đội Trung Quốc và ván cờ Đông Á