Ngày 20/8/2022, cô Daria Dugina - con gái của triết gia chính trị người Nga Alexander Dugin, đã tử vong tức thời sau khi chiếc ô tô do cô lái phát nổ trên đường lớn ở tỉnh Moscow của Nga. Ban đầu ông Dugin định đi chiếc xe này nhưng vào phút chót đã chuyển sang một chiếc ô tô khác nên thoát chết trong gang tấc. Vụ nổ xảy ra sau khi hai người vừa dự một buổi thuyết trình về truyền thống và lịch sử. Sau vụ nổ, người ta thấy cảnh ông Dugin ôm đầu chứng kiến hiện trường vụ án.
1- Mục tiêu là Daria hay Dugin?
Đa phần dự luận và các nhà phân tích cho rằng Dugin chính là mục tiêu của ám sát, chứ không phải con gái ông - người phụ nữ trẻ xấu số đã lái xe của bố mình sau buổi thuyết trình hôm đó.
Một nguồn tin nói với trang 19FortyFive rằng có một số bài báo chỉ rằng Daria, vốn là nhà báo điều tra, có thể chính là mục tiêu mà các cá nhân hoặc nhóm nào đó muốn đoạt mạng.
Đài CNN của Mỹ thì cho rằng Dugin chắc chắn không thiếu kẻ thù bên trong nước Nga. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2009, ông nói: “Mọi nhân vật có quyền lực ở Nga đều có vấn đề cả, ngoại trừ Putin”.
Không loại trừ khả năng thủ phạm nhằm vào cả hai cha con ông Dugin.
2- Phương pháp ám sát
Chuyên gia thuốc nổ cho rằng, mìn nam châm được gắn dưới gầm xe ô tô. Mìn nổ mạnh đến mức làm vỡ cửa sổ các nhà gần đó.
Asia Times cho rằng hoạt động đánh bom trong vụ án này mang tính nghiệp dư và là “tác phẩm” của các nhóm khủng bố hoặc các tên tội phạm thông thường, dựa trên các nguồn tin quen thuộc nếp tư duy của các cơ quan an ninh Nga. Các nguồn tin này cho rằng, nếu lực lượng đặc biệt hành động thì sẽ phải theo cách khác, “chuyên nghiệp” hơn.
3- Nguồn tin thân cận gia đình nạn nhân
Bạn bè của gia đình ông Dugin bày tỏ lòng tiếc nuối trên mạng, đồng thời tiết lộ thêm thông tin về vụ nổ.
Marwa Osman - người tự nhận là bạn của Giáo sư Dugin, viết một đoạn chia sẻ trên mạng xã hội Facebook rằng “dòng máu vô tội của Daria đã đổ hôm nay do bàn tay của NATO và Mỹ”.
Theo chính ông Dugin, ông và con gái gần đây nhận được nhiều đe dọa từ các phần tử dân tộc chủ nghĩa Ukraine thông qua mạng xã hội nhưng họ không để ý đến các đe dọa đó.
4- Góc nhìn của Truyền thông phương Tây
Nhiều hãng truyền thông phương Tây đang có xu hướng coi vụ đánh bom xe ô tô của Daria Dugina - con gái của nhà tư tưởng Nga Alexander Dugin như một vụ tấn công nhằm vào “cố vấn tinh thần” của Tổng thống Nga Putin, với hàm ý đây là một đòn đánh vào chính quyền của ông Putin.
Tuy nhiên, Alexander Dugin không phải là đồng minh của Tổng thống Putin. Dugin thậm chí còn đánh giá quan điểm của nhà lãnh đạo Putin đối với phương Tây là quá mềm mỏng.
Chính ông Dugin đã bị sa thải khỏi vị trí giảng dạy tại Đại học Quốc gia Moscow vào năm 2014 - động thái cần sự phê chuẩn của ông Putin. Dugin ủng hộ “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga nhưng lại phản đối đội ngũ cố vấn của Tổng thống Putin. Thậm chí ngay trong một đăng tải trên mạng xã hội Telegram vào đúng ngày 20/8, Dugin cũng tuyên bố thẳng thừng rằng nội các hiện nay của ông Putin sẽ kéo dài không quá 6 tháng và Nga sẽ trải qua một cuộc chuyển đổi lớn lao.
5- Các đối thủ người Nga của ông Putin
Họ cũng không có lý do gì để giết hại một nhà tư tưởng có tầm vóc như ông Dugin, nhất là khi bản thân ông Dugin nhiều khi gây phiền nhiễu cho nhà lãnh đạo Nga vì chính thái độ dân tộc cực đoan của ông ấy, như đã nêu ở trên.
6- Cơ quan tình báo Ukraine
Theo Asia Times, ít có khả năng lực lượng tình báo Ukraine tiến hành vụ đánh bom như đồn đoán của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga. Họ đánh giá khả năng nhân viên tình báo của nước ngoài thực hiện một chiến dịch như thế ngay trên đất Nga là nhỏ do có rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, theo Ủy ban Điều tra Nga, vụ nổ đã được lên kế hoạch và kích hoạt bởi các đối tượng chống đối điện Kremlin. Giới chức Nga cho biết, họ tính đến cả bằng chứng được thu thập từ vụ nổ cũng như thông tin tình báo do cơ quan chức năng thu thập được.
Mới đây nhất, vào ngày 22/8, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) kết luận: Tình báo Ukraine đứng đằng sau vụ ám sát Daria Dugina - con gái của triết gia chính trị Alexander Dugin. Người trực tiếp thực hiện vụ ám sát này là một công dân Ukraine tên là Natalya Vovk.
Hãng thông tấn Sputnik (Nga) dẫn nguồn Cơ quan An ninh Nga (FSB) thông báo vào hôm 22/8: “Vụ này do cơ quan đặc biệt của Ukraine chuẩn bị và tiến hành. Kẻ thủ ác là Natalya Pavlovna Vovk, một công dân Ukraine sinh năm 1979, đã đến Nga vào ngày 23/7/2022 cùng với con gái của mình”.
Cơ quan an ninh của Nga đã chuyển thông tin trên cho Ủy ban Điều tra Nga.
Trước đó, trang tin 19fortyfive dẫn lời Cố vấn hàng đầu của Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, phát biểu trên truyền hình khẳng định Kiev không liên quan đến vụ ám sát và không ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.
Ông Podolyak nói: “Tôi xác nhận Ukraine tất nhiên không liên quan gì đến vụ này, bởi vì chúng tôi không phải là nhà nước tội phạm, cũng không phải là nhà nước khủng bố”.
7- Lực lượng khủng bố quốc tế
Các nhóm khủng bố Hồi giáo từng tiến hành tấn công ở thủ đô Moscow của Nga nhưng chúng không cực đoan đến mức chọn một nhân vật như Dugin làm mục tiêu.
Theo Asia Times, Dugin có thái độ tích cực đối với việc phong trào Hồi giáo chủ nghĩa chống đối sự bá quyền của người Mỹ. Chính Dugin từng phản đối việc Tổng thống Putin trấn áp một cách cứng rắn các phần tử Hồi giáo cực đoan Chechnya.
8- Các băng đảng tội phạm
Bản thân giới tội phạm Nga không có lý do hợp lý để thực hiện các vụ ám sát chính trị vì điều này lại mang rủi ro là bị các cơ quan an ninh Nga đưa vào tầm ngắm.
Như vậy, giới tội phạm Nga có thể thực hiện ám sát Dugin theo “đơn đặt hàng” từ bên ngoài, có thể là giới tài phiệt Nga ở hải ngoại./.