Nằm ở đầu mỏm của một bán đảo, bao quanh là các nước láng giềng đông dân, Singapore luôn sống trong trạng thái bất an. Trên bản đồ, quốc gia này chỉ là một chấm nhỏ, dễ bị tổn thương.
“Thành bang” Singapore rơi vào tay phát xít Nhật Bản trong Thế chiến II. 20 năm sau đó, Lý Quang Diệu - vị thủ tướng đầu tiên và phục vụ lâu năm nhất của Singapore, lại e sợ bị nước ngoài chinh phục sau khi nỗ lực của Singapore thống nhất với Malaysia - nước láng giềng phương Bắc, thất bại.
Chính sách ngoại giao thực dụng của Singapore
Theo cuốn sách mới nhất của cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger, việc Singapore tồn tại và phát triển thịnh vượng tuy là điều kỳ diệu của kinh tế thị trường tự do nhưng trước hết, bắt nguồn từ chiến thắng của phương pháp tiếp cận địa chính trị thực dụng đầy toan tính.
Quốc đảo này đã trải qua tăng trưởng kinh tế bùng nổ khi đối mặt với tình trạng mất an ninh về địa chính trị - một nỗi sợ đang ngày phổ biến hiện nay trong bối cảnh các đại cường quốc xâm nhập trực diện vào hoạt động của nền kinh tế toàn cầu.
Cuốn sách “Leadership: Six Studies in World Strategy” (tạm dịch: “Lãnh đạo: Sáu nghiên cứu về chiến lược thế giới”) là đầu sách thứ 19 của cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger. Cuốn sách có 6 chương, trong đó chương về Lý Quang Diệu - chính khách Singapore qua đời vào năm 2015, có lẽ là chương lôi cuốn nhất. Sử gia Margaret MacMillan trên tờ Financial Times và Đô đốc James Stavridis trên Nhật báo Phố Wall đều ca ngợi phần miêu tả sinh động của ông Kissinger về Thủ tướng Lý Quang Diệu - được coi là người khai sinh nước Singapore độc lập hiện tại.
Chương viết của Tiến sĩ Kissinger về nhà lãnh đạo Singapore, với rất nhiều giai thoại về tư tưởng thực tế và tinh thần ái quốc của ông, đã giúp độc giả có một góc nhìn phi thông thường về tăng trưởng kinh tế thần kỳ của Singapore - một thực tế có tác dụng phản biện cách nhìn truyền thống về thị trường tự do.
Nhiều nhà kinh tế nhấn mạnh việc chính quyền của Thủ tướng Lý khai thác lợi thế địa lý để làm giàu từ thương mại toàn cầu. Giáo sư trường Thương mại Harvard, Michael Porter, người từng làm cố vấn cho giới lãnh đạo kinh tế Singapore, là người đề xuất đáng chú ý nhất cho góc nhìn này.
Phiên bản nhìn nhận này nhấn mạnh vị trí của Singapore như một trung tâm thương mại, nằm trên tuyến hàng hải từ Địa Trung Hải thông qua kênh đào Suez, dọc theo eo biển Malacca, tới Đông Á, cho phép hòn đảo này thu tất cả các lợi ích của một nền kinh tế “kho bãi”.
Trong một nghiên cứu của trường Thương mại Harvard, Giáo sư Porter giải thích rằng Singapore phát triển “hàng hải, liên lạc, ngân hàng, bảo hiểm và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ xuất nhập khẩu cũng như hoạt động bán lẻ và các dịch vụ khác để đáp ứng nhu cầu của các hãng vận tải và nhà cung cấp dịch vụ”.
Thế nhưng, ông Lý Quang Diệu hiếm khi thảo luận vị trí địa lý của Singapore theo cách nhìn của Giáo sư Porter. Ngược lại, ông Lý luôn luôn nhấn mạnh hòn đảo này ở vào vị thế nguy hiểm và bất lợi như thế nào. Có lần Thủ tướng Lý trầm ngâm nói: “Chúng ta là một hòn đảo người Hoa trong một biển Mã Lai. Làm thế nào để chúng ta tồn tại trong một môi trường thù địch như vậy?”.
Trong cuốn sách của mình, Tiến sĩ Kissinger lựa chọn cách nhìn nhận vấn đề của Lý Quang Diệu chứ không phải Michael Porter.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger viết: Singapore bị “bao quanh bởi các nước lớn hơn và hùng mạnh hơn, đặc biệt là Malaysia và Indonesia - các nước này ghen tị với Singapore về cảng nước sâu và vị trí chiến lược dọc theo các tuyến hàng hải thương mại”.
Với tư cách một hòn đảo bé nhỏ “ở một khu vực nhạy cảm phức tạp của thế giới”, Singapore “dựa nhiều vào Mỹ” để ứng phó với Trung Quốc. Quốc gia của ông Lý Quang Diệu phải đi dây giữa “tồn tại và thảm họa”.
Đề cao vai trò của nhà nước đối với kinh tế và an ninh quốc gia
Lý Quang Diệu khảo sát các láng giềng của Singapore và chứng kiến một thế giới đông đảo các đối thủ địa chính trị. Tình trạng bất an của Singapore đã đưa ông Lý tới chỗ yêu cầu chính phủ nước này phải thực hiện những điều khác thường đối với một xã hội thị trường tự do theo lối tư bản.
Chẳng hạn, nhà nước Singapore cung cấp tài chính cho một loạt các công ty có liên hệ với chính phủ. Bộ Tài chính Singapore đầu tư trực tiếp vào các công ty địa phương và các dự án nước ngoài.
Temasek - nhánh đầu tư của chính phủ Singapore, là phương tiện chính để hoàn thành đầu tư chiến lược. Nguồn vốn 100 triệu USD ban đầu của cơ quan này được rải vào 36 công ty. Khi ngân sách của cơ quan này tăng lên 380 tỷ USD, nó trở thành một trong các công cụ hiệu quả nhất về đầu tư trực tiếp của nhà nước trên thế giới.
Thông qua Temasek, Chính phủ Singapore sở hữu cổ phần khống chế trong các thương hiệu lớn như Singapore Airlines, Singapore Telecom và PSA Singapore - công ty vận hành cảng container lớn nhất thế giới cũng như 90% diện tích đất của hòn đảo này - được sở hữu thông qua các phương tiện của chính phủ như gã khổng lồ bất động sản TJ Holdings.
Điều quan trọng là ban lãnh đạo Temasek hướng đầu tư vào các cụm công nghiệp chiến lược như hóa dầu và sinh dược - điều này giúp Singapore tích lũy được ảnh hưởng địa chính trị bên cạnh lợi ích về kinh tế.
Một nhà quan sát nhận định, Singapore là trường hợp ngoại lệ đặc biệt trái ngược với các tín điều của kinh tế học tư bản cho rằng sự can thiệp của chính phủ là bất lợi cho nền kinh tế.
Trong con mắt của cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger, một trong thành tựu kinh tế lớn nhất của Thủ tướng Lý Quang Diệu là “gắn kết chặt chẽ thịnh vượng kinh tế cá nhân với tình trạng phát triển lành mạnh của nhà nước”.
Ông Lý thực hiện điều này thông qua việc thiết lập “các thể chế tương tự chính trị” - một thuật ngữ dùng để chỉ các hội đồng thị trấn và trung tâm cộng đồng của Singapore, vốn nổi tiếng về mức độ phản ứng nhanh nhạy với thực trạng kinh tế hàng ngày của các công dân Singapore.
Temasek - công cụ đầu tư công - tư của Singapore, cũng có thể được xem là “một thể chế tương tự chính trị”.
Lý Quang Diệu hiểu rõ sự cạnh tranh địa chính trị khốc liệt mà trong đó, nếu thất bại, thì những láng giềng hùng mạnh của Singapore như Trung Quốc sẽ áp đặt luật chơi lên sự thịnh vượng của đảo quốc này.
Ông Lý đã đầu tư mạnh tay cho các cụm công nghiệp chiến lược. Ông chỉ đạo nhà nước đóng vai trò tích cực trong hoạt động kinh tế bởi lẽ chỉ có tổ chức này mới giúp Singapore cạnh tranh hiệu quả với các hàng xóm của mình./.