Theo báo cáo đánh giá của Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA), châu Âu sẽ vượt qua mùa Đông năm 2022 sau khi đã lấp đầy đến 95% các kho năng lượng dự trữ chiến lược và nhờ tận dụng được các yếu tố thuận lợi.

Yếu tố quan trọng đầu tiên là Nga đã duy trì gần như bình thường số lượng khí đốt cam kết theo các hợp đồng trong 6 tháng đầu năm 2022 bất chấp xung đột xảy ra, trước khi giảm dần sau đó. Tính từ đầu năm 2022, Nga đã cung cấp cho châu Âu tổng cộng 60 tỷ m3 khí đốt. 

Nhân tố thứ hai là châu Âu đã tranh thủ mua được số lượng lớn khí đốt tự nhiên hoá lỏng (NLG) trong bối cảnh nhu cầu về nguồn khí này từ Trung Quốc sụt giảm do nền kinh tế bị đình trệ bởi chính sách Zero Covid.

Cuối cùng là yếu tố thời tiết khi mùa Đông năm nay được dự báo sẽ không quá khắc nghiệt, giúp nhu cầu về sưởi ấm của người dân giảm khoảng 9%.

Tuy vậy, các yếu tố thuận lợi này có thể sẽ không còn nữa vào mùa Đông năm tới bởi nguồn cung khí đốt từ Nga hiện đã gần như đã không còn. Sản lượng khí tự nhiên hoá lỏng của thế giới năm 2023 được dự báo sẽ chỉ tăng thêm khoảng 20 tỷ m3 khí và sẽ là không đủ nếu nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế Trung Quốc hồi phục như năm 2021.

Theo Giám đốc Tổ chức Năng lượng quốc tế ông Fatih Birol, châu Âu sẽ thiếu khoảng 30 tỷ m3 khí đốt vào mùa Đông năm tới và các kho năng lượng dự trữ chiến lược chỉ lấp đầy khoảng 65% so với mức 95% như năm nay.

Ông Fatih Birol cũng cảnh báo giá năng lượng sẽ còn tiếp tục biến động: “Chúng ta đã dự trữ một lượng khí đốt lớn nhưng sẽ sử dụng cho mùa Đông năm nay. Đến tháng 2 hoặc tháng 3 sang năm, câu hỏi lớn là làm sao để lấp đầy trở lại các kho dự trữ. Và trong những năm tới, chúng ta cũng cần phải sẵn sàng trước khả năng giá năng lượng tăng cao và biến động. Thẳng thắn mà nói, mùa Đông năm nay sẽ khó khăn và sang năm sẽ còn khó khăn hơn nữa”.

Người đứng đầu của AEI, các quốc gia châu Âu cần đẩy nhanh các kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, tiếp tục vận động người dân giảm nhu cầu sử dụng và đẩy mạnh các nguồn năng lượng tái tạo./.