Viện nghiên cứu nước, khí quyển quốc gia New Zealand ngày 9/8 công bố báo cáo nghiên cứu được cơ quan này thực hiện cùng với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) về những tác động của đợt cháy rừng “Mùa hè Đen” tại Australia vào năm 2019-2020 tới bầu khí quyển. Theo đó, đợt cháy rừng “Mùa hè Đen” không chỉ tạo ra các đám tro bụi bao phủ một diện tích rộng lớn tại Australia mà còn lan sang quốc gia láng giềng New Zealand, nơi cách đám cháy khoảng 2.000km. Tro bụi từ cháy rừng tại Australia đã khiến bầu trời ở một số khu vực của New Zealand chuyển sang màu cam và những đỉnh núi tuyết chuyển thành màu nâu.
Không chỉ vậy, điều khiến các nhà khoa học lo ngại đó chính là việc khói từ đám cháy rừng đã tạo ra sự thay đổi hóa học chưa từng có trong tầng bình lưu, cách bề mặt trái đất khoảng 16-20km và là nơi có 1/3 tầng ozone bảo vệ Trái Đất. Số liệu thu thập được cho thấy có sự thay đổi liên quan đến một số khí có chứa clo, loại khí ít có sự thay đổi ở khu vực này. Trong đó, các nhà khoa học đặc biệt lưu tâm đến sự thay đổi theo chu kỳ của khí hydro clorua - một loại khí có thể được chuyển thành chất phá hủy tầng ozone và khí clo monoxide. Vệ tinh của NASA ghi nhận cứ sau chu kỳ khoảng từ 4-5 tháng, khí hydro clorua sụt giảm một nửa và khí clo monoxide tăng thì chu trình lại đảo ngược và tiếp tục duy trì khoảng 4 tháng trước khi lại tiếp tục đảo ngược.
Tiến sỹ Susan Strahan, thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết sự thay đổi chất hóa học trong tầng bình lưu đang khiến cho các nhà khoa học lo ngại vì các loại khí có chứa clorin như khí hydro clorua có thể gây hại tới tầng ozone. Tiến sỹ Strahan cho biết, từ những quan sát về sự gia tăng của clo monoxide, các nhà khoa học phán đoán ozone ở vĩ độ trung bình đã bị suy giảm sau vụ cháy rừng “Mùa hè Đen”.
Đợt cháy rừng “Mùa hè Đen” vào cuối năm 2019-2020 là đợt cháy rừng lịch sử, quy mô lớn chưa từng có tại Australia khi thiêu rụi 14,3 triệu hecta đất, phá hủy 3.000 ngôi nhà, làm ít nhất 34 người thiệt mạng và làm chết khoảng 3 tỷ động vật./.