Tổng thống Ba Lan theo đường lối bảo thủ Andrzej Duda vừa trở thành nhân tố mới trong giải quyết cuộc khủng hoảng quan hệ giữa Nga và phương Tây khi quyết định “bắt tay” với Pháp và Đức nhằm hạ nhiệt căng thẳng, cũng như làm hồi sinh “tam giác Weimar” nổi tiếng.

Cùng với Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Tổng thống Andrzej Duda nằm trong số các nhà lãnh đạo được cho là có quan điểm “hoài nghi châu Âu”. Giải thích cho quyết định “làm lành” với Pháp và Đức, ông Andrzej Duda tuyên bố, mục tiêu chung của ba nước là nhằm ngăn chặn nguy cơ một cuộc chiến tranh ở châu Âu.

“Đây là một tình huống khó khăn nhất mà NATO và EU hay khu vực Trung Âu nói riêng và châu Âu nói chung phải đối mặt kể từ năm 1989. Chúng ta phải tìm ra một giải pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ chiến tranh. Đây là mục tiêu quan trọng nhất vào lúc này. Chúng ta phải chứng tỏ rằng chúng ta nói cùng một tiếng nói và là khối không thể bị phá vỡ, cũng như sẽ không lùi bước", ông Andrzej Duda nói.

Dù chưa thể khẳng định liệu có phải Ba Lan đã quyết định ngả về phương Tây hay không, song rõ ràng cuộc gặp đã hồi sinh ít nhất là về mặt hình thức “tam giác Weimar” nổi tiếng, được thành lập năm 1991 nhằm thúc đẩy hợp tác và những lợi ích chung giữa Đức, Pháp và Ba Lan. Và đây cũng chính là những gì mà Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thể hiện tại Berlin. Theo Thủ tướng Đức Olaf Scholz, trước nguy cơ một cuộc xung đột nóng ngay cửa ngõ châu Âu, 3 nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại Berlin và thể hiện sự đoàn kết để gìn giữ hòa bình châu Âu.

Ông Olaf Scholz nói: “Mục tiêu chung của chúng tôi là ngăn chặn chiến tranh ở châu Âu. Việc Nga tập trung quân đội ở biên giới Ukraine là mối quan tâm lớn và vì thế, việc đánh giá tình hình, cũng như lập trường chung của chúng tôi là thống nhất. Bất kỳ cuộc tấn công nào nữa vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine đều là không thể chấp nhận được và sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng đối với Nga cả về mặt chính trị, kinh tế và địa chiến lược".

Ba Lan chỉ là một trong số rất nhiều những quốc gia, cùng với Ukraine hay Hungary, luôn bị giằng xé giữa Đông và Tây. Kể từ năm 2000, việc nước Nga dần khôi phục vai trò và sức mạnh của một cường quốc đã đưa Moscow trở thành một bên trong thế đối trọng với Mỹ và các nước phương Tây.

Sự trở lại của Nga luôn được đem ra giải thích cho những động thái của Mỹ và phương Tây không ngừng lôi kéo đồng minh hay mở rộng sự hiện diện về phía Đông. Tuy nhiên, trong gần 3 thập kỷ qua, cũng không ít lần Nga-Mỹ hay Nga - Liên minh châu Âu nhắc tới khả năng “tái cài đặt” quan hệ song phương. Bởi cả 2 bên đều hiểu được rằng, một cuộc khủng hoảng kéo dài chỉ gây tổn hại cho tất cả các bên./.