Truyền thông của Myanmar đưa tin, Ủy ban bầu cử Liên minh đã truy tố 16 người bao gồm bà Aung San Suu Kyi, Tổng thống U Win Myint vì liên quan tới cáo buộc gian lận bầu cử năm 2020. Ngoài ra, Cựu Chủ tịch của uỷ ban bầu cử U Hla Thein cũng nằm trong số những người bị truy tố. Đảng của bà Aung San Suu Kyi đã giành chiến thắng tuyệt đối ở cuộc bầu cử năm ngoái song kết quả đã bị phía quân đội từ chối chấp nhận.
Bà Suu Kyi, 76 tuổi đã bị giam kể từ khi diễn ra biến cố chính trị tại Myanmar hôm 1/2 năm nay. Trước đó, bà đã bị cáo buộc các tội danh nhập khẩu bộ đàm trái phép, tham nhũng và có thể phải đối mặt với hàng chục năm tù nếu bị kết án. Việc chính quyền quân sự Myanmar buộc tội bà Aung San Suu Kyi gian lận bầu cử và có các hành động phi pháp làm tăng thêm một loạt các cáo buộc mà cựu lãnh đạo này phải đối mặt.
Chính quyền quân sự tại Myanmar đã không cho phép đặc phái viên của ASEAN tiếp cận bà Aung San Suu Kyi. Các nhà báo cũng không được phép tham dự các thủ tục tố tụng tại toà án và chính quyền cũng không cho phép nhóm luật sư của bà Suu Kyi được tiếp cận với truyền thông.
Hồi tháng 7, chính quyền quân sự đã chính thức huỷ bỏ kết quả của cuộc bầu cử năm 2020 và thông báo rằng họ phát hiện ra 11 triệu trường hợp bất thường trong các lá phiếu.
Chính quyền quân sự tại Myanmar hiện tại đang phải đối mặt với rất nhiều chỉ trích từ cộng đồng quốc tế. Tại hội nghị cấp cao của ASEAN diễn ra cuối tháng 10 vừa qua, lãnh đạo chính quyền quân sự của Myanmar đã không được mời tham dự. Trong khi đó, tuần trước, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình bất ổn tại quốc gia này và kêu gọi "chấm dứt bạo lực ngay lập tức" cũng như nỗ lực đảm bảo người dân không bị tổn hại./.