Bế tắc chính trị tại Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu được khai thông với hàng loạt cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài suốt 3 tháng qua. Trong một bước đi nhượng bộ tiếp theo, chính quyền của tổng thống Viktor Yanukovych đã trả tự do cho tất cả những người biểu tình bị bắt giữ theo yêu cầu của lực lượng đối lập. Bên cạnh đó, tổng thống Yanukovych cũng tuyên bố chính quyền có đủ lực lượng để dẹp yên những hành động cực đoan ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định và phát triển của đất nước.

yanukovych.jpg
Tổng thống Yanukovych (ảnh: RIA)

Trong một động thái nhằm xoa dịu làn sóng biểu tình chống chính phủ, hôm qua, Tổng chưởng lý Ukraine Viktor Pshonka cho biết, tất cả 234 người biểu tình bị bắt giữ trong đợt bạo động chống chính phủ đã được trả tự do. Tuy nhiên, những cáo buộc chống lại những người này sẽ chỉ được hủy bỏ nếu người biểu tình rời khỏi các tòa nhà mà họ đang chiếm giữ. Trước đó cùng ngày, phe đối lập kêu gọi tiến hành cuộc biểu tình mới với quy mô lớn vào ngày mai (16/2).

Đây sẽ là cuộc biểu tình lớn lần thứ 11 diễn ra tại thủ đô Kiev kể từ khi phong trào biểu tình nổ ra hồi tháng 11/2013 nhằm phản đối việc Tổng thống Yanukovych từ chối ký hiệp ước liên kết với Liên minh châu Âu (EU). Trong thông báo đưa ra hôm qua (14/2), đảng của cựu Thủ tướng đang ngồi tù Yulia Tymoshenko cho biết, cuộc biểu tình vào ngày mai sẽ là "cuộc phản kháng" lớn nếu chính phủ nước này không đáp ứng đề nghị của phe đối lập thả những người biểu tình bị bắt. Đảng đối lập này cũng coi đây là điều kiện để những người biểu tình chấm dứt phong tỏa các tòa nhà chính phủ.

Trước tình trạng bất ổn và bế tắc chính trị hiện nay, Tổng thống Yanukovych hôm qua đã trả lời phỏng vấn trên truyền hình để giải thích về lập trường của ông trong một số vấn đề. Tổng thống Viktor Yanukovych mô tả các cuộc biểu tình trên đường phố do phe đối lập phát động là những hành động cực đoan và chính phủ có đủ lực lượng để chấm dứt những hành động này trong trường hợp cần thiết.

“Các nhà chính trị cần hiểu về trách nhiệm của họ,” ông Yanukovych nói. “Tôi muốn nói rằng việc họ tập hợp người ủng hộ cho những cuộc biểu tình chống đối, kêu gọi vũ trang, chiếm giữ công sở là những hành động nguy hiểm. Chúng tôi có đủ lực lượng để dẹp yên những hành động đó”.

Nhấn mạnh về sự mất lòng tin giữa các nhà lãnh đạo chính trị không mang lại lợi ích cho người dân Ukraine, Tổng thống Yanukovych cho biết ông có thể tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân để giải quyết những vấn đề đang ảnh hưởng đến đất nước. Giải thích về quyết định ngừng việc ký kết thỏa thuận thương mại với EU, Tổng thống Yanukovych nói rằng nếu làm như vậy Ukraine sẽ mất đi một thị trường lớn là Nga, gây thiệt hại cho nền kinh tế Ukraine. Ông cũng bày tỏ mong muốn có mối quan hệ tốt đẹp với các nước và khu vực như Nga, Mỹ, Trung Quốc hay Liên minh châu Âu. 

Căng thẳng chính trị tại Ukraine, quốc gia thuộc Liên Xô trước đây, tiếp tục là mối quan tâm đặc biệt của cả Nga và phương Tây. Trong cuộc họp báo hôm qua với người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier, đang ở thăm Nga, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh rằng các công dân của quốc gia thuộc Liên Xô trước đây này phải được phép tự giải quyết các vấn đề của mình.

  >> Đọc thêm: Ukraine trong thế giằng xé Đông-Tây

Ông Lavrov cũng cáo buộc Liên minh châu Âu (EU) tìm cách gây "ảnh hưởng" bằng cách ép Ukraine lựa chọn các quan hệ gần gũi hơn với liên minh này gây bất lợi cho quan hệ với Nga. Trong khi đó, phương Tây đang tỏ rõ quyết tâm can thiệp vào tình hình Ukraine.

Thủ tướng Đức Angela Merkel dự kiến sẽ gặp các thủ lĩnh phe đối lập của Ukraine vào ngày 17/2 để thảo luận về cuộc khủng hoảng chưa có dấu hiệu chấm dứt tại nước này. Theo người phát ngôn của Thủ tướng Đức, bà Merkel sẽ gặp một số lãnh đạo đối lập của Ukraine. Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã có cuộc gặp với 3 thủ lĩnh đối lập Ukraine tại Đức bên lề Hội nghị An ninh diễn ra ở thành phố Munich, một động thái được xem là sự ủng hộ của Mỹ đối với phe đối lập Ukraine./.