Video do không quân Ukraine công bố cung cấp một cái nhìn sâu hơn về hoạt động của phi đội MiG-29 của Ukraine, chủ yếu bao gồm máy bay Fulcrum-C có từ thời Liên Xô chưa được nâng cấp toàn diện. Hình ảnh cho thấy, 2 tên lửa HARM được phóng từ độ cao trung bình.
HARM là một vũ khí mạnh mẽ nhưng không phải là một vũ khí mới. Nó được triển khai lần đầu tiên năm 1983, có tầm bắn gần 50km và tốc độ đạt Mach 2. AGM-88 HARM được không quân và hải quân Mỹ đưa vào biên chế từ năm 1985, được xem là vũ khí chủ lực của Mỹ trong thế trận áp chế phòng không đối phương.
Tên lửa này được thiết kế để bám đuổi theo các thiết bị phát tín hiệu của đối phương, đặc biệt là radar phòng không và vô hiệu hóa chúng. Kể từ khi xung đột nổ ra, không quân Ukraine đã kêu gọi Mỹ cung cấp cho Kiev các vũ khí có khả năng trấn áp/phá hủy (SEAD/DEAD) để chống lại mối đe dọa từ các tên lửa đất đối không. Trước khi tiếp nhận HARM, Ukraine chỉ được cung cấp các tên lửa chống radar lỗi thời có từ thời Liên Xô dành cho phi đội Su-24 Fencer của nước này.
Vẫn chưa rõ cách thức Ukraine lắp đặt hệ thống tên lửa này vào MiG-29. Bởi việc tích hợp tên lửa trên MiG-29 là một quá trình phức tạp, không chỉ đòi hỏi gắn bệ phóng LAU-118A và tên lửa AGM-88 vào giá treo của MiG, mà còn rất nhiều công đoạn để kết nối chúng với hệ thống điện tử hàng không. Một câu hỏi khác là các phi công của Fulcrum sẽ bắn tên lửa vào mục tiêu như thế nào. Thông thường công việc này được thực hiện qua màn hình hiển thị đa chức năng nhưng buồng lái của MiG-29 lại không có kiểu màn hình như vậy./.