Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên sau khi Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên tuyên bố có kế hoạch tiến hành một vụ thử hạt nhân mới và các vụ phóng tên lửa khác. Triều Tiên hôm 25/1 cảnh báo sẽ có "hành động đáp trả mạnh tay" đối với Hàn Quốc nếu nước này trực tiếp tham gia các lệnh trừng phạt mở rộng của Liên Hợp Quốc, trong khi đó chính quyền Mỹ tuyên bố áp đặt thêm các biện pháp mới trừng phạt Bình Nhưỡng.

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của Ủy ban Tái thống nhất hòa bình nêu rõ: "Nếu chính quyền Hàn Quốc trực tiếp tham gia cái gọi là "lệnh trừng phạt" của Liên Hợp Quốc, hành động đáp trả quân sự sẽ được tiến hành". Ủy ban này khẳng định: "Chừng nào Hàn Quốc còn tiếp tục theo đuổi một chính sách thù địch thì Triều Tiên sẽ không bao giờ đàm phán".

Phản ứng trước cảnh báo này của Triều Tiên, Đặc phái viên của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Park Geun-hye - ông Rhee In-je - hôm 25/1 khẳng định, Hàn Quốc sẽ không tha thứ cho các hành động khiêu khích của Triều Tiên, nhưng sẽ tiếp tục đẩy mạnh đối thoại với Bình Nhưỡng.

quan%20doi%20han%20quoc.jpg
Quân đội Hàn Quốc (ảnh: Reuters)

Phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ), ông Rhee In-je cho biết, bà Park Geun-hye đang hối thúc Triều Tiên dừng các vụ thử hạt nhân có thể làm tình hình trên bán đảo Triều Tiên căng thẳng. Quan điểm của Hàn Quốc rất rõ ràng: tham vọng hạt nhân và hành động khiêu khích sẽ không được dung thứ, nhưng Hàn Quốc vẫn để mở cánh cửa đối thọai tích cực với Triều Tiên và sẽ tiếp tục viện trợ y tế, thuốc men như một phần trong chính sách “xây dựng lòng tin” giữa hai miền.

Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết mở rộng lệnh trừng phạt Triều Tiên để phản ứng lại vụ phóng vệ tinh của nước này vào tháng 12/2012. Ngay sau đó, Triều Tiên tuyên bố kế hoạch thử hạt nhân và tiếp tục phóng tên lửa. Bộ Tài chính Mỹ cũng quyết định áp đặt lệnh trừng phạt đối với các thực thể và cá nhân Triều Tiên bị tình nghi liên quan đến hoạt động phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Phát biểu tại Bắc Kinh sau cuộc gặp với các quan chức cấp cao Trung Quốc, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Glyn Davies cho biết, Trung Quốc và Mỹ đều nhất trí rằng các vụ thử hạt nhân mới là không có lợi cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, ảnh hưởng đến những nỗ lực tái khởi động các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Davies nói: “Chúng tôi đã đạt được sự đồng thuận rằng một vụ thử hạt nhân sẽ là làm thụt lùi những nỗ lực phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi sẽ cân nhắc bằng những hành động chứ không phải lời nói của Triều Tiên. Những tuyên bố này của Triều Tiên sẽ không giúp mang lại hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên”.

Những động thái đáp trả giữa các bên liên quan đến vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại.

Ngọai trưởng Đức Guido Westerwelle hôm 25/1 bày tỏ quan ngại về những diễn biến căng thẳng gần đây trên bán đảo Triều Tiên, kêu gọi các bên nhanh chóng đối thoại để giải quyết vấn đề này. Ông cũng kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình để giảm bớt các căng thẳng hiện nay.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan bình tĩnh và kiềm chế, vì lợi ích chung duy trì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên, thực hiện phi hạt nhân hóa trên bán đảo này: 

“Tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên rất phức tạp và nhạy cảm,” ông Hồng Lỗi nói. “Chúng tôi hi vọng các bên liên quan bình tĩnh, tăng cường đối thoại , tránh có hành động leo thang căng thẳng, cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên”.

Về phần mình, Nga bày tỏ lấy làm tiếc vì Triều Tiên từ chối nối lại đàm phán với các nhà hòa giải quốc tế. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov cho biết, Moscow sẽ duy trì các cuộc tiếp xúc với Bình Nhưỡng và kêu gọi tiếp tục tiến trình đàm phán trên các nền tảng quốc tế./.