Hội nghị Bộ trưởng các nước Đông Á thu hút được sự chú ý của dư luận quốc tế khi lần đầu tiên có sự tham dự chính thức của 2 thành viên mới là Nga và Mỹ, để chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao Đông Á dự kiến được tổ chức vào tháng 11 tới.

Tại Hội nghị, bộ trưởng các quốc gia Đông Á đã thảo luận nhiều vấn đề chiến lược liên quan đến ASEAN, đồng thời, trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế nóng hiện nay.

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp, các bộ trưởng dành thời gian để thảo luận về việc làm thế nào để đảm bảo an ninh hàng hải.

Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN+3 trong cuộc gặp gỡ. (Ảnh: AFP)

Phát biểu bên lề Hội nghị, Ngoại trưởng Australia Kevin Rudd khẳng định: Hội nghị vừa là cơ hội vừa là thách thức để chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao Đông Á vào cuối năm 2011. Điều này cũng phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm tổ chức của ASEAN cũng như việc tìm kiếm các cách thức mở rộng cơ chế này hơn nữa trong việc đối thoại, xây dựng lòng tin lẫn nhau, đặc biệt là các biện pháp an ninh liên quan đến hàng hải, điều đang là một thách thức không nhỏ với chúng ta hiện nay.

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng cũng đã thảo luận về tương lai của Thượng đỉnh Đông Á (EAS) sau khi EAS được mở rộng để bao gồm cả Nga và Mỹ, trong bối cảnh kế hoạch mở rộng đó có thể sẽ tác động tới cấu trúc đang phát triển trong khu vực.

Tuy nhiên, các Bộ trưởng đều nhất trí cho rằng trong cơ chế hợp tác Đông Á mới được hình thành, ASEAN vẫn giữ vai trò trung tâm. Trên cơ sở đó, Hội nghị cũng tập trung thảo luận về cách thức duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, khả năng EAS được vận dụng như là một diễn đàn hàng đầu nhằm nâng cao vị thế cũng như sự đóng góp của ASEAN trong các diễn đàn quốc tế, đảm bảo rằng EAS có thể ứng phó với những thách thức hiện nay và đang phát sinh.

Hội nghị cũng nhất trí về các nội dung hợp tác chính trong cơ chế Đông Á: chính trị, an ninh, kinh tế trên cơ sở các cơ chế hợp tác sẵn có như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), ASEAN+1, ASEAN+3, hay Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng. Điều này sẽ vẫn được duy trì để tạo ra nhiều diễn đàn, nhiều kênh đối thoại, làm sâu sắc hơn quan hệ của ASEAN với các đối tác.

Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 diễn ra tại Hà Nội vào tháng 10/2010 đã đạt  được sự thống nhất về mô hình cấu trúc mới của khu vực, đó là Cấp cao Đông Á mở rộng với sự tham gia của Nga và Mỹ. Điều này đánh dấu sự phát triển và việc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực của ASEAN. Việc xác định được cấu trúc tương lai của khu vực đã cho thấy, ASEAN xác định được con đường phát triển, đó là thúc đẩy quan hệ với các đối tác chủ chốt không chỉ trong khu vực mà của cả thế giới, từ đó nâng cao vị thế và ảnh hưởng của ASEAN ra toàn cầu./.