“Ung thư không phải là dấu chấm hết”

Nhiều năm công tác tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Ths. BS. Trần Tuấn Sơn, Trưởng Khoa Chăm sóc giảm nhẹ đã gặp những trường hợp bệnh nhân khi được chăm sóc giảm nhẹ, đã ghi nhận hiệu quả trong điều trị các triệu chứng ung thư. Theo đó, chất lượng cuộc sống của người bệnh được tăng lên, đồng thời gánh nặng với người chăm sóc, cho cộng đồng... lại giảm đi.

vov_dieu_tri_ung_th_wwcp.jpg
Ths. BS. Trần Tuấn Sơn chia sẻ trước các bệnh nhân về chăm sóc giảm nhẹ.

Một nam bệnh nhân (giấu tên) của BS Sơn đã điều trị ung thư 6 năm qua, nhưng nhìn vẻ ngoài từ thần sắc đến dáng vẻ của anh thì không ai nghĩ anh là một bệnh nhân ung thư.

Khi phát hiện mình mắc ung thư mạch bạch huyết - một dạng ung thư máu vào năm 2013, anh có trăn trở suy nghĩ và sau đó lên mạng tìm hiểu để biết bệnh và xác định điều trị. Đến nay, anh vẫn đi khám định kỳ tại bệnh viện và luôn giữ tinh thần chiến thắng bệnh tật.

“Đến cả bác sĩ cũng không nghĩ tôi là bệnh nhân. Các bác sĩ bảo tôi lạc quan có thừa. Trong cuộc sống tôi luôn cố tránh những mệt mỏi, tôi xác định mắc bệnh là sống chung với lũ nên luôn giữ tinh thần, giữ sức khỏe để chiến thắng bệnh tật”, anh chia sẻ.

275 bệnh nhân ung thư tử vong mỗi ngày tại Việt Nam, đặc biệt lo ngại là ung thư đang có xu hướng trẻ hóa vì ô nhiễm môi trường, ăn uống và những yếu tố ngoại sinh…

Hiện có 23 triệu người trên thế giới đang sống chung với ung thư. Tại Việt Nam, mỗi năm có 126.000 bệnh nhân mắc ung thư mới và có khoảng 94.000 người chết mỗi năm vì căn bệnh quái ác này. Đây là tỷ lệ rất cao, gây tổn thất lớn cho gia đình bệnh nhân.

Một bệnh nhân khác là bà Trần Thị Lý (60 tuổi, tại Mê Linh, Hà Nội). Vào viện điều trị ung thư từ tháng 6/2018, bà Lý cởi mở chia sẻ quá trình gần một năm điều trị ung thư: “Ban đầu tôi chỉ bị đau bụng dưới và thi thoảng thấy bứt dứt như kiến cắn. Mọi người cũng bảo tôi hao cân nên đi khám thì ra bệnh. Khi phát hiện ung thư và điều trị tại bệnh viện, các bác sĩ cũng tư vấn và trấn an. Các bệnh nhân cũng động viên lẫn nhau. Tinh thần tôi cũng phấn chấn lên nhiều và bây giờ đã tăng cân lên 61kg”.

Thực hiện đúng theo lời khuyên của các bác sĩ, ăn uống tích cực và điều trị đúng hướng dẫn nên bệnh tình của bà Lý có nhiều tiến triển. Đến nay, bà đã trải qua 9 đợt hóa trị.

“Khi mới tiêm thuốc bị ê ẩm thắt lưng, dần dần các triệu chứng đau cũng giảm đi. Tôi rất tin và theo bác sĩ để điều trị, theo đúng chỉ định và lịch hẹn khám. Trước đây khi tôi mới vào viện, được các chị em đang điều trị động viên và hiện nay tôi đang động viên lại những người không may mới phải nhập viện. Các con tôi cũng động viên mẹ phấn chấn lên thì ở nhà mới yên tâm làm ăn được”, bà Lý nói.

Bà Lý cho biết, riêng bản thân bà và nhiều người khác, khi xác định mắc ung thư thì sẽ phải điều trị. Nếu hoàn cảnh khó khăn, thì phải đi vay mượn để điều trị. Theo bà Lý, dù có bảo hiểm 80% nhưng điều trị vẫn rất tốn kém nếu vào đợt khám tổng thể.

Phát hiện vào giai đoạn muộn điều trị hạn chế và tốn kém

Điều trị ung thư sẽ hiệu quả nếu bệnh được phát hiện sớm và nhất là phải phòng bệnh. Tuy nhiên, có tới 70-80% bệnh nhân ung thư tới viện khi bệnh đã ở vào giai đoạn muộn nên khả năng điều trị bị hạn chế và rất tốn kém.

Ths. BS. Trần Tuấn Sơn, Trưởng Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội khẳng định, sự cần thiết của việc khám tầm soát, thậm chí là có tính chất bắt buộc để người dân đi khám tầm soát ung thư. Khi phát hiện sớm, người bệnh sẽ đỡ được rất nhiều và chi phí điều trị sẽ giảm bớt. Đây mới là điều mang lại hiệu quả nhất trong việc điều trị ung thư.

BS Sơn khuyến cáo, phòng bệnh bước 1 là điều mà hầu như không được chú trọng. Nhiều người chủ quan với chính sức khỏe của mình, không chủ động hạn việc chế tiếp xúc với những yếu tố có thể kích thích quá trình phát triển ung thư, như hút thuốc lá, uống bia rượu… 

Có những trường hợp bệnh nhân đi khám nhiều viện cùng lúc nhưng đến viện này lại giấu xét nghiệm của viện kia đi để so sánh kết quả. Hay có những bệnh nhân đã xác định mắc ung thư, nhưng vẫn cố đi tìm những phương pháp mà không phải can thiệp phẫu thuật và điều trị hóa chất. Đến khi bệnh tiến triển quá giai đoạn có thể điều trị tốt, điều trị đặc trị hay hệ thống miễn dịch đã bị suy giảm và phá vỡ thì mới quay lại viện.

“80-90% bệnh nhân ung thư gan vào đây điều trị là những người mắc viêm gan B tiến triển thành ung thư. Tại sao một động tác đi xét nghiệm viêm gan B lại bị bỏ qua? Tôi thường xuyên khuyên người thân của những bệnh nhân này đi xét nghiệm viêm gan B. Lúc đó, mới phát hiện ra trong gia đình có đến mấy người bị viêm gan B. Đây là một điều đáng tiếc. Nhiều người ung thư vú lại tin vào việc điều trị bằng cách đắp lá. Đến lúc quay lại viện thì việc điều trị sẽ rất khó khăn cho họ vì hiệu quả điều trị lúc đó không cao và cực kỳ tốn kém, gây đau đớn cho bệnh nhân và gia đình”, BS Sơn cho biết./.