Những người đã khỏi COVID-19 thường có xu hướng dựa vào khả năng miễn dịch sau khi mắc bệnh hơn là lựa chọn tiêm vaccine chủng ngừa. Tuy nhiên, một báo cáo mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy, những người không tiêm phòng sau khi bị bệnh có nguy cơ tái nhiễm COVID-19 cao gấp gần hai lần rưỡi so với những người đã tiêm chủng.
Mặc dù nghiên cứu mới không phải là tin tức đáng ngạc nhiên, nhưng lại chứng minh những gì các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nghi ngờ là chính xác.
Tác động của nghiên cứu
Nghiên cứu đối với những người dân ở Kentucky từng bị mắc COVID-19 vào cuối năm 2020 cho thấy, những người vẫn chưa tiêm phòng có nguy cơ tái nhiễm virus cao hơn 2,34 lần so với những người đã được tiêm phòng đầy đủ.
Trong khi ủng hộ quan điểm rằng nhiễm trùng cung cấp một số khả năng miễn dịch tăng cường trong khoảng 90 ngày, thì báo cáo cũng chỉ ra tỷ lệ bệnh có triệu chứng cao hơn ở những người không được tiêm chủng.
Theo Tiến sĩ Alyson Cavanaugh, một trong những tác giả của nghiên cứu, đây thực sự là thông tin quan trọng giúp thuyết phục những người đã mắc bệnh nên đi tiêm phòng, đặc biệt trong bối cảnh biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao như hiện nay.
Một mũi vaccine liệu có đủ?
Liệu những người từng mắc COVID-19 có thể chỉ cần tiêm một mũi vaccine thay vì 2 mũi? Theo các chuyên gia, dù đây là vấn đề vẫn cần nghiên cứu thêm, song rõ ràng, những người chưa được chủng ngừa sau khi mắc bệnh vẫn có nguy cơ cao mắc bệnh. Vì thế thông điệp là rất rõ ràng, nếu bạn từng mắc COVID-19, bạn vẫn nên chủng ngừa./.