Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đã làm dấy lên nhiều lo ngại cho toàn cầu. Tính từ thời điểm được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi cho đến nay, biến thể mới đã lưu hành ở 77 quốc gia. Hôm 14/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể Omicron đang lây lan với tốc độ chưa từng có, kêu gọi các quốc gia phải tăng cường và thực hiện các biện pháp thích hợp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan mạnh.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, cho biết: “Thực tế Omicron có thể có ở hầu hết các quốc gia, ngay cả khi nó chưa được phát hiện. Omicron đang lan truyền với tốc độ mà chúng ta chưa từng thấy với bất kỳ biến thể nào trước đây”. Mặc dù hầu hết các trường hợp Omicron đều nhẹ cho đến nay, nhưng Vương quốc Anh đã báo cáo trường hợp tử vong đầu tiên do Omicron vào 13/12.
Theo nghiên cứu mới đây, so với biến thể Delta, biến thể Omicron tự nhân lên nhanh hơn 70 lần trong đường thở. Điều này có thể tạo điều kiện lây lan từ người sang người. Tuy nhiên, trong các mô phổi, Omicron sao chép chậm hơn 10 lần so với phiên bản gốc của virus SARS-CoV-2, nên có thể làm cho bệnh ít nghiêm trọng hơn.
Ông Bruce Aylward, chuyên gia của WHO, đã kêu gọi mọi người xem xét biến thể này một cách nghiêm túc hơn thay vì coi nó là 'nhẹ' và bước vào các kỳ nghỉ lễ mà không có bất kỳ biện pháp cảnh giác nào.
Mất cảnh giác lúc này có thể rất nguy hiểm
COVID-19 đã không thể đoán trước được kể khi được phát hiện lần đầu tiên. Từ các triệu chứng đến sự tiến triển của nó cho đến tác động lâu dài mà căn bệnh lây nhiễm này có thể gây ra đối với mọi người, mọi thứ đều không chắc chắn khi nói đến virus SARs-COV-2.
Hơn nữa, các biến thể mới như Omicron gần đây nhất có thể khó giải mã. Mặc dù bạn có thể nghĩ rằng nó ít nghiêm trọng hơn Delta, nhưng sự gia tăng số ca mắc bệnh sẽ làm quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới. Tất cả chúng ta đều đã chứng kiến sự tàn phá gây ra bởi biến thể Delta, vì vậy, nếu muốn tránh trường hợp tương tự xảy ra, chúng ta phải thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa.
Các biện pháp phòng ngừa
Đeo khẩu trang, rửa tay và duy trì khoảng cách xã hội
Virus SARS-COV-2 chủ yếu lây lan giữa người với người khi tiếp xúc gần. Do đó, đeo khẩu trang có thể giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus một cách đáng kể. Ngoài ra, duy trì khoảng cách thích hợp với những người khác, rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sau khi chạm vào các khu vực thường xuyên tiếp xúc, cũng làm giảm nguy cơ lây bệnh.
Hoãn các bữa tiệc, tránh các cuộc tụ tập xã hội, hạn chế các hoạt động ngoài trời
Dù đã tiêm phòng hoặc chưa tiêm phòng, bạn cũng nên hạn chế tổ chức tiệc tùng, tham gia các cuộc tụ họp xã hội và phải tránh các hoạt động ngoài trời, đặc biệt là khi liên quan đến khu vực đông người.
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về biến thể Omicron mới, các quan chức y tế trên khắp thế giới đã khuyến cáo mọi người cảnh giác hơn trong các kỳ nghỉ lễ. Vì biến thể mới được cho là có khả năng lây truyền cao hơn biến thể Delta, nên việc toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi nó chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tiêm vaccine đầy đủ và mũi tăng cường
Khi biến thể mới ngày càng lan rộng trong khi biến thể Delta vẫn đang hoành hành, tiêm chủng vẫn là biện pháp phòng ngừa tốt nhất, ngăn ngừa nguy cơ trở nặng và tử vong do COVID-19. Do đó, cần phủ rộng vaccine để những ai đủ điều kiện cũng được tiêm phòng đầy đủ. Hơn nữa, liều vaccine tăng cường có thể tăng hiệu quả bảo vệ chống lại biến thể Omicron. Nhiều quốc gia như Mỹ, Israel và Anh đã bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho người dân./.