Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Delta lây lan nhanh hơn khoảng 55% so với chủng Alpha được phát hiện lần đầu tiên ở Vương quốc Anh vào cuối năm 2020, vốn lây lan nhanh hơn khoảng 50% so với chủng gốc.
Biến thể Delta được xác định lần đầu tiên ở Ấn Độ
Biến thể Delta được xác định lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 12/2020 và nhanh chóng trở thành biến thể thống trị, áp đảo hệ thống chăm sóc sức khỏe của nhiều nước. Theo nhà nghiên cứu Ashish Jha, trưởng khoa Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown, đây là chủng dễ lây lan nhất của virus mà các nhà nghiên cứu từng thấy trong suốt đại dịch. Biến thể Delta thực sự rất dễ lây lan và hiện đã có mặt tại hơn 120 quốc gia trên thế giới.
Như tại Mỹ, trường hợp đầu tiên được xác định là vào tháng 3 và đến đầu tháng 7, biến chủng Delta đã chiếm hơn một nửa số trường hợp được xét nghiệm tại nước này. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), biến chủng này hiện chiếm tới 83% các trường hợp mắc bệnh tại Mỹ.
Trong một phiên điều trần của Ủy ban Thượng viện hồi tuần này, Giám đốc CDC, Tiến sĩ Rochelle Walensky cho biết, đây là một mức tăng đáng kể, tăng từ 50% của tuần 3/7.
Biến thể Delta không ngừng lây lan nhanh chóng
Làm thế nào mà virus lây lan nhanh như vậy? Một nghiên cứu cho thấy biến thể Delta có thể lây truyền nhanh hơn các chủng khác vì có khả năng tạo ra nhiều bản sao bên trong cơ thể chúng ta với tốc độ nhanh hơn.
Khi so sánh hàng chục trường hợp mắc biến chủng Delta với các chủng virus từ giai đoạn đầu của đại dịch, các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện ra rằng những bệnh nhân mắc biến thể Delta có tải lượng virus cao gấp 1.260 lần. Theo nhà nghiên cứu Ashish Jha, ở trong môi trường với những người nhiễm có tải lượng virus cao như vậy, thì ngay cả việc chỉ ở trong môi trường này trong một khoảng thời gian ngắn, 5 phút, 7 phút hay thậm chí không cần ở khoảng cách gần, bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh. Đối với những người không được chủng ngừa, thì họ có nguy cơ lây nhiễm với thời gian tiếp xúc ngắn hơn rất nhiều.
Vaccine vẫn là chìa khóa
Các loại vaccine được cấp phép khẩn cấp hiện nay như Pfizer hay AstraZeneca đều đang được chứng minh là có hiệu quả đối với biến thể Delta. Ngay cả khi bị nhiễm, thì những người được tiêm chủng đầy đủ cũng hiếm khi bị ốm nặng. Như tại Mỹ, hồi tuần trước, hơn 97% số người nhập viện do COVID-19 là không được tiêm chủng và 99,5% đối với các trường hợp tử vong. Vì thế, cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để thoát khỏi đại dịch là thúc đẩy mọi người đi tiêm phòng càng sớm càng tốt./.