Theo quan niệm của Đông y, cảm lạnh là cảm mạo, cảm cúm, trúng gió... hay gặp khi trời lạnh. Khi đó, không khí lạnh sẽ “thâm nhập” vào cơ thể qua lỗ chân lông và đường hô hấp, gây đau đầu, sổ mũi, ho, kèm theo các khớp xương nhức mỏi, sốt nhẹ.

Nhiều trường hợp “trúng gió” nặng sẽ dẫn đến méo miệng, bị vẹo cổ cấp, thậm chí có thể gây nên đột quỵ, tai biến mạch máu não...

ba_bau_ocpp.jpg
Trong trường hợp bị cảm nặng, nên đưa bà bầu tới các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra (ảnh: KT)
Thực tế cho thấy đối tượng bị “trúng gió” nhiều nhất là ở lứa tuổi trung niên và người già. Tuy nhiên, ở lứa tuổi thanh niên cũng không nên chủ quan, nhất là những người có thể trạng yếu, ít tập luyện, phụ nữ mang thai...
Những người có tiền sử hạ đường huyết, huyết áp cao, huyết áp thấp, xơ vữa động mạch là đối tượng có tần suất “trúng gió” nhiều hơn người khỏe mạnh bình thường.

Do vậy, trong dân gian thường hay dùng phương pháp cạo gió (thường cạo gió dọc hai bên cổ gáy, từ cổ dọc xuống đến vai, kín hết diện vai, dọc hai bên cột sống rồi tỏa ra hai bên mạng sườn, kín hết lưng) để “đẩy gió” ra bên ngoài.

ThS.BS Đặng Lê Dung Hạnh, Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương) cho biết, cạo gió theo đông y là nhằm làm nóng cơ thể, kích thích huyệt đạo, có thể dùng được. Tuy nhiên, tuyệt đối không cạo gió cho phụ nữ mang thai vì những động tác này gây kích ứng quá mạnh sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.

Bác sỹ Hạnh khuyến cáo, thay vì cạo gió, các bà bầu nên chọn việc làm nóng và kích thích bằng cách xoa dầu và massage nhẹ bởi lẽ khi dùng lực mạnh để cạo ra gió sẽ làm vỡ các mạch máu và gây xuất huyết dưới da, không tốt cho sự phát triển của thai nhi. Bà bầu có thể dùng cao dán (salonpas..) để có tác dụng tại chỗ, đau đâu dán đó. Việc này không sẽ không gây ảnh hưởng gì đến em bé.

Trong trường hợp bị cảm nặng, nên đưa bà bầu tới các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo ông Nguyễn Xuân Hướng – nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam, cạo gió là cách chữa bệnh dân gian được sử dụng từ lâu đời và có những tác dụng nhất định trong việc chữa các chứng cảm phong hàn. Tuy nhiên, không nên lạm dụng phương pháp chữa bệnh này vì nếu lạm dụng và tiến hành không đúng cách sẽ để lại những di chứng nặng nề cho người bệnh.

"Trẻ em là đối tượng chống chỉ định với mọi hình thức cạo gió. Cách an toàn nhất là xoa dầu. Da của trẻ rất non và mỏng nên rất dễ hỏng da, khí huyết cũng rất yếu sẽ không chịu được nhiệt độ cao khi cạo gió. Ngoài ra, người bị tim, cao huyết áp, bà bầu cũng là những đối tượng tuyệt đối không nên tiến hành cạo gió dưới bất kỳ trường hợp cảm nào”, ông Hướng nhấn mạnh./.

Một số lưu ý khi cạo gió:

-Nên cạo gió trong phòng, tránh gió lùa

- Không dùng vật sắc cạnh, cứng để cạo gió, vì dễ gây tổn thương da, có nguy cơ nhiễm trùng và nhiễm một số bệnh lây lan qua đường máu.

- Chủ yếu cạo hai bên đường dọc cột sống lưng. Không nhất thiết phải cạo đến đỏ bầm.

- Không nên cạo vùng cơ cổ.

- Sau khi cạo gió xong nên giữ ấm cơ thể, tốt nhất ăn thêm một bát cháo hành giải cảm.

- Cạo gió thực sự hữu hiệu trong trường hợp cảm mạo thời tiết, nhiễm lạnh , nhức mỏi tay chân do làm việc quá độ. Trong trường hợp suy nhược vì một bệnh lý nào đó như đau đầu chóng mặt vì cao huyết áp, viêm xoang,… thì nên đến cơ sở y tế  khám để có một chẩn đoán xác định và phương thức điều trị thích hợp.

Bác sĩ Trịnh Liên Việt
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP HCM