Đó là cảnh báo của các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng, Thành phố  Hồ Chí Minh trong chiều nay (28/7).

Bệnh lõm lồng ngực có biểu hiện là lồng ngực bị lõm ở phía trước, thường là vùng xương ức hoặc lệch về bên ngực trái hoặc ngực phải. Đây là một bệnh bẩm sinh, chủ yếu được phát hiện ở trẻ từ 1 tuổi trở lên, khi xương bắt đầu phát triển. Nguyên nhân chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên, các bác sỹ cho rằng do yếu tố di truyền. Bệnh được can thiệp bằng phẫu thuật nâng ngực đặt thanh kim loại để cố định hình dạng của xương.

lom_nguc_uwdh.png
(ảnh minh họa)

Năm nay, số ca phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi đồng 1 tăng hơn nhiều so với năm ngoái. Tính đến tháng 7, bệnh viện đã mổ cho hơn 80 ca, trong khi đó năm 2015, chỉ mổ cho 50 ca. Nguyên nhân là do khuyến cáo từ nhiều phía, nên các phụ huynh phát hiện sớm, kịp thời đưa trẻ đến khám chuyên khoa.

Theo bác sỹ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh, ngực lõm quá mức nhưng trẻ không được phẫu thuật kịp thời, sẽ gây chèn ép lên phổi, tim. Vì vậy trẻ có hơi thở rất ngắn, thở nặng nề và mệt mỏi. Lõm ngực còn gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý trẻ, trẻ có thể bị mất tự tin, không dám cởi trần, không hòa đồng trong các hoạt động thể dục thể thao…

Độ tuổi phù hợp để phẫu thuật tốt nhất là từ 8 đến 12 tuổi. Tuy nhiên, nhiều trường hợp nặng có thể xác định để thực hiện sớm hơn độ tuổi này.

Bác sỹ Đào Trung Hiếu cho biết: “Những em bé dưới 7 tuổi chúng tôi cân nhắc từng trường hợp, ví dụ như là lõm ngực quá sâu, dựa trên chỉ số trên CT. Thứ hai là lõm ngực ảnh hưởng đến em bé rồi, có nghĩa đã ảnh hưởng đến hô hấp, đến tim mạch rồi, nếu mình không can thiệp sớm cho em bé thì ảnh hưởng càng lúc càng nặng nề hơn”.

Sau khi phẫu thuật, phụ huynh nên cho trẻ hạn chế vận động, từ 3 đến 6 tháng cho trẻ vận động nhẹ nhàng. Qua 6 tháng bé đã có thể hoạt động bình thường./.