Mỗi năm, tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi của TP HCM ghi nhận rất nhiều ca trẻ bị teo dính thực quản do uống nhầm hóa chất như: axit, nước tro tàu làm bánh, nước Javen, nuốt nhầm pin điện tử…

Bác sĩ chuyên khoa II Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM cho biết, mỗi năm có khoảng 15-20 ca trẻ bị bỏng thực quản vì các lý do như uống nhầm axit (HCL, H2SO4…dùng để sạc bình acquy, làm vàng), chất kiềm (nước tro tàu, chất giặt tẩy…) nuốt nhầm pin điện tử vào viện. 

Điều đáng lo ngại đó là trẻ con thường rất vô tư, nuốt rất nhanh khi ăn uống. Đó là lý do, nhiều trẻ uống một lúc mới biết là uống nhầm hóa chất và dừng lại. Với những trẻ uống nhầm hóa chất, phụ huynh thường chỉ thấy tổn thương bên ngoài như bỏng rộp môi, miệng, lưỡi. Nhiều người bỏ qua những tổn thương thực quản, dạ dày, chỉ khi có dấu hiệu nặng mới đưa con đến bệnh viện.  
hoachat_tiib.jpg
Sự giống nhau của bao bì khiến trẻ dễ uống nhầm hóa chất

BS Sơn cho biết, bỏng do trẻ nuốt nhầm hóa chất có thể chia ra 2 mức độ. Ở mức độ nhẹ, trẻ bị bỏng môi miệng lưỡi và tổn thương niêm mạc dạ dày. Việc điều trị cho bé chỉ cần cho uống thuốc băng dạ dày, thuốc giảm đau. 

Ở mức độ nặng hơn, hóa chất gây tổn thương, viêm loét lớp niêm mạc thực quản và dạ dày. Nặng nề nhất là teo thực quản. Em bé sẽ phải điều trị chống nhiễm trùng, chống dính thực quản bằng cách đặt stend. Việc điều trị này kéo dài hàng năm trời và rất tốn kém vì cứ khoảng 1 tháng, trẻ lại phải nhập viện để nong stend.

Nếu trẻ uống nhầm các chất axit hay kiềm, phụ huynh nên cho con uống thật nhiều nước lọc để dung hòa độ axit và kiềm trong dạ dày. Sau đó gia đình nên đưa con đến bệnh viện một cách sớm nhất, cần mang theo dung dịch trẻ đã uống để các bác sĩ xác định mức độ tổn thương và có hướng xử trí nhanh hơn. Nếu trẻ nuốt nhầm pin điện tử phải đưa trẻ đến bệnh viện một cách sớm nhất.

Để phòng tránh, phụ huynh nên lưu ý đựng hóa chất trong các chai lọ riêng biệt, không nên chứa trong các chai nước, gây nhầm lẫn. Quan trọng hơn, các loại hóa chất này phải đặt xa tầm tay trẻ. Tuyệt đối không cho trẻ chơi với pin điện tử, pin dù còn mới hay đã sử dụng đều phải cất kỹ, xa tầm tay trẻ./.