Phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ mang lại cho bệnh nhi cơ hội lớn trong việc phục hồi khả năng nghe, phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, hòa nhập cộng đồng…

thinh_luc_zqwm.jpg
Việc sàng lọc thính lực ở trẻ sơ sinh được thực hiện càng sớm càng tốt, hoặc chậm nhất là 3 tháng sau khi sinh. 

Sàng lọc thính lực càng sớm càng tốt

Nghe kém là hiện tượng giảm một phần hoặc hoàn toàn khả năng cảm nhận âm thanh xung quanh. Ở nước ta, trung bình mỗi năm có khoảng 1 triệu trẻ em được sinh ra thì khoảng 5 nghìn trẻ bị khiếm thính. Trong đó, có một tỷ lệ lớn trẻ bị điếc sâu mà giải pháp can thiệp duy nhất là cấy ốc tai điện tử để giúp các cháu thoát khỏi cảnh tàn tật. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ nghe kém sẽ gặp khó khăn trong phát âm và phát triển ngôn ngữ, trí tuệ so với các trẻ bình thường. Trầm trọng hơn, trẻ sẽ phải gánh chịu những khuyết tật vĩnh viễn như câm điếc.

Theo bác sĩ Phạm Tuấn Quyết, Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, BV Phụ sản T.Ư, mất thính lực là khi trẻ mất khả năng nghe một tai hoặc hai tai từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng - là một trong những rối loạn thường gặp nhất so với các rối loạn khác đang được sàng lọc rộng rãi như thiếu máu hồng cầu hình liềm, thiếu men G6PD, phenylketonuria hay suy giáp trạng bẩm sinh… Do vậy, việc sàng lọc thính lực ở trẻ sơ sinh được thực hiện càng sớm càng tốt, hoặc chậm nhất là 3 tháng sau khi sinh. Đặc biệt, đối với trẻ có yếu tố nguy cơ cao như: trẻ sinh non tháng, nhẹ cân; trẻ bị bệnh nặng ngay sau sinh; trẻ bị dị dạng ở đầu, tai, mặt; trẻ bị viêm màng não hoặc viêm não; trẻ bị vàng da nặng phải truyền máu; mẹ bị nhiễm một số siêu vi khuẩn trong thời kỳ mang thai (như bị rubella, cúm, sởi…); trong gia đình có người bị giảm thính lực…

“Việc kiểm tra thính lực ở trẻ sơ sinh rất đơn giản, chỉ khoảng từ 5-7 phút nếu trẻ ngủ ngon hoặc nằm yên. Đối với những trường hợp bị nghi ngờ giảm thính lực, chúng tôi kết hợp với bệnh viện (BV) Nhi T.Ư và Khoa Thính lực của một số bệnh viện khác để cùng nghiên cứu, chẩn đoán những bước tiếp theo rồi đưa ra các phương pháp điều trị. Tùy vào mức độ bệnh, nếu phát hiện giảm thính lực sớm, có thể áp dụng phương pháp đeo máy trợ thính hoặc cấy điện cực ốc tai cho trẻ”, bác sĩ Tuấn Quyết cho biết.

Cũng cần khuyến cáo, đối với trẻ sơ sinh, biểu hiện về thính lực thường chưa rõ ràng. Vì vậy, nhiều cha mẹ không để ý đến những biểu hiện phản xạ với âm thanh của con, khi lớn lên, thấy con chậm chạp so với những bạn cùng trang lứa, cha mẹ mới đưa con đi khám thì đã lỡ cơ hội điều trị.

 “Việc khám sàng lọc và đo thính lực để biết chính xác sức nghe của trẻ, từ đó có phương pháp trị liệu. Khi sức nghe giảm trên 90 deciben là điếc - lúc ấy việc đeo máy trợ thính không có tác dụng mà phải cấy điện cực ốc tai điện tử. Trước khi tiến hành cấy ốc tai điện tử, trẻ được dùng máy trợ thính một thời gian để làm quen với việc đeo máy, sau đó chọn thời điểm thích hợp để phẫu thuật và điều chỉnh cường độ âm thanh và sức nghe cho trẻ. Ngoài ra, việc trị liệu ngôn ngữ sau phẫu thuật là hết sức quan trọng cho phát triển ngôn ngữ của trẻ”.

PGS.TS Cao Minh Thành

Làm thế nào để phát hiện và khắc phục kịp thời?

Trường hợp cháu Nguyễn Văn Nguyên, 5 tuổi ở Hà Đông, Hà Nội là một trong số rất nhiều trẻ bị điếc bẩm sinh nhưng không có cơ hội cấy ốc tai điện tử miễn phí do phát hiện muộn. Trước đó, khi cháu Nguyên hơn 1 tuổi, cha mẹ gọi hỏi không thấy thưa, gia đình mới đưa con đi chữa trị khắp nơi, thậm chí còn mua máy trợ thính cho con nhưng thính lực không thấy cải thiện. Nghe tin ở BV Đại học Y Hà Nội có kỹ thuật cấy ốc tai điện tử, chị Hạnh đưa con đến khám mới biết con đã qua thời gian “vàng” điều trị.

(Ảnh minh họa)

Là bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong việc điều trị điếc bẩm sinh, PGS.TS Cao Minh Thành, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, BV Đại học Y Hà Nội phân tích, thông thường, trẻ từ 1 đến 3 tháng tuổi đã biết nhìn theo nguồn sáng và giật mình khi có tiếng động lớn, hoặc biết lim dim mắt khi nghe tiếng hát ru của mẹ… Tuy nhiên, có những trẻ không bộc lộ rõ những phản xạ và dấu hiệu đó. Khi thấy có biểu hiện nghi ngờ về thính lực của con, cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế chuyên ngành tai mũi họng khám. Khi đã chẩn đoán trẻ bị điếc bẩm sinh thì không có biện pháp nào khác ngoài cấy ốc tai điện tử.

Do vậy, cha mẹ tuyệt đối không đưa con đi châm cứu, bấm huyệt hay sử dụng thuốc nam mà đánh mất cơ hội chữa trị cho con. Nhiều nghiên cứu cho thấy thời điểm tốt nhất để cấy ốc tai điện tử là trẻ từ 12 - 24 tháng hoặc dưới 36 tháng tuổi. Nếu cấy muộn, khả năng phát triển ngôn ngữ sẽ rất chậm”, PGS Thành khẳng định./.