Hiến tặng giác mạc của mình sau khi qua đời là việc làm có ý nghĩa nhân đạo sâu sắc. Nó đem lại ánh sáng cho hàng trăm nghìn người đang sống trong cảnh mù lòa. Tại Việt Nam có khoảng hơn 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc. Mỗi năm, số lượng bệnh nhân lại tăng thêm 15.000 người. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, trung bình, mỗi ngày có ít nhất một bệnh nhân đăng ký chờ ghép giác mạc. Thế nhưng, mỗi năm chỉ có khoảng 100 đến 150 giác mạc được cung cấp để ghép.
Lãnh đạo Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: “Số lượng giác mạc dự trữ trong Ngân hàng Mắt luôn trong tình trạng khan hiếm. Gần như là trống rỗng”. Lượng cung không đủ cầu khiến cho rất nhiều bệnh nhân gặp phải khó khăn trong việc chạy chữa.
Giác mạc là thứ không thể sản xuất, chỉ có thể lấy được từ cơ thể người. Có rất nhiều nguyên nhân gây hỏng giác mạc như: Chấn thương mắt, bỏng giác mạc, biến chứng sau phẫu thuật, viêm loét giác mạc…
Ghép giác mạc là thay thế giác mạc bị mờ đục bằng giác mạc còn tốt của người hiến, giúp người bệnh nhìn tốt hơn. Bất cứ ai cũng có thể hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính. Những người có thị lực kém và ngay cả những người mắc bệnh nan y như ung thư hay đái tháo đường… vẫn có thể hiến tặng giác mạc. Tuy nhiên, chỉ được phép lấy giác mạc sau khi người đó đã qua đời.
Hiện tại, nguồn giác mạc ở Việt Nam chủ yếu theo ba đường: từ những người tình nguyện hiến tặng sau khi qua đời, từ chấn thương phải bỏ nhãn cầu nhưng giác mạc vẫn còn tốt và nhập từ nước ngoài về, chủ yếu là từ Mỹ. Tuy nhiên, cũng rất hạn chế vì chi phí đắt, quá trình vận chuyển phải mất từ 10 – 12 ngày. Càng để lâu thì chất lượng càng giảm. Ghép được sớm sẽ có lợi trong việc chữa trị cho bệnh nhân.
Hàng năm, Hội chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Mắt, các tổ chức xã hội và tôn giáo tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động hiến tặng giác mạc. Năm 2007, ngân hàng Mắt tiếp nhận ca hiến tặng giác mạc đầu tiên. Đến nay, khắp các tỉnh thành miền Bắc đều đã có người hiến. Trong đó, vùng nhiều nhất là Ninh Bình với gần 10 xã có người hiến tặng. Tuy nhiên, đa phần người dân vẫn còn xa lạ với hình thức hiến tặng này. Hầu hết là không quan tâm hoặc có cái nhìn sai lệch về việc hiến tặng. Bên cạnh đó, quan niệm của người dân Việt Nam về việc mai táng người đã mất vẫn còn rất nặng nề nên việc tuyên truyền gặp rất nhiều khó khăn.
Việc hiến tặng giác mạc hoàn toàn là việc tự nguyện và mang ý nghĩa đạo đức cao cả. Đó là một món quà vô giá và mang lại ánh sáng cuộc đời mới cho những bệnh nhân không may.
Để được tư vấn và đăng ký hiến giác mạc, độc giả có thể gọi về tổng đài 04.1080, Ngân hàng Mắt – Bệnh viện Mắt Trung ương, địa chỉ: 85 Bà Triệu, Hà Nội. Số điện thoại: 04 39454799, hoặc email: info@vnio-eyebank.org.vn. Hội chữ thập đỏ địa phương và Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam, số điện thoại: 04.38229971, địa chỉ: 82 Nguyễn Du, Hà Nội./.