Hai bệnh nhân nam nhập viện đều có các dấu hiệu bụng to và đau. Đặc biệt, 2 tháng gần đây, bướu phát triển nhanh thấy rõ, đau bụng tăng, khó thở khi nằm. Qua nhiều giờ phẫu thuật, khối bướu đã được lấy khỏi khoang bụng 2 bệnh nhân.
Hai khối u đều có kích thước và khối lượng lớn: 1 ca có bướu nặng 6,7kg, dài 44cm, ngang 33cm và 1 ca khác có bướu nặng 7,3kg, dài 53cm, ngang 35cm. Trong đó, 1 trường hợp bướu to quá đã chèn và dồn 2 quả thận cùng về một hướng.
Tiến sĩ, Bác sỹ Thái Minh Sâm – Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bướu sau phúc mạc, hay còn gọi nôm na là bướu sau - dưới khoang bụng chủ yếu được hình thành từ trung mô, tế bào thần kinh, tế bào mầm.
Loại bướu này 90% là u ác tính, phải điều trị chủ yếu bằng phương pháp phẫu thuật, hóa trị và xạ trị ít tác dụng. Việc mổ để lấy những bướu to mất nhiều thời gian, do các mô bướu đã ăn bám chặt vào các mạch máu, gây chảy máu nhiều sau khi phẫu thuật.
Vết khâu sau mổ của một bệnh nhân |
Bác sỹ này cũng cho biết, bướu này nếu lớn sẽ có khả năng sót 60-70%, vì vậy vẫn tái phát sau khi phẫu thuật. Những bệnh nhân bị bướu sau phúc mạc thường không có biểu hiện gì rõ rệt và cũng không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng càng lớn sẽ gây khó khăn cho quá trình hô hấp và sinh hoạt, khiến sức khỏe giảm sút.
Nếu không đi khám định kỳ để mổ kịp thời, bướu sẽ dính chặt vào các mạch máu lớn, việc phẫu thuật sẽ rất khó khăn.
Ông Thái Minh Sâm khuyến cáo: “Muốn phát hiện sớm bệnh này, người bệnh phải có ý thức bảo vệ và theo dõi sức khỏe định kỳ, bằng cách đi khám để phát hiện bệnh sớm. Nếu để kéo dài thì khả năng điều trị bướu càng khó khăn, cũng như kết quả về lâu dài càng xấu. Siêu âm cũng có thể đã phát hiện được bệnh”./.