Với sự phát triển của can thiệp nội mạch, hội chứng suy tĩnh mạchcó thể điều trị khỏi bằng cách nong bóng và đặt giá đỡ tĩnh mạch (stent) chỉ qua một vết đâm kim vùng bẹn đùi.

Sau gần hai năm thực hiện kỹ thuật điều trị suy tĩnh mạch do tắc nghẽn bằng can thiệp nội mạch, đến nay, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công hơn 20 ca phẫu thuật cho bệnh nhân. Đây là đơn vị đầu tiên trên cả nước thực hiện được loại hình phẫu thuật này.

tinh_mach_iwtw.jpg
Thay vì phẫu thuật, ngày nay, bệnh viêm tĩnh mạch có thể được điều trị bằng một vết kim châm. (Ảnh internet).

Mới đây, một bệnh nhân nữ 62 tuổi, ngụ Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh nhập viện vì sốc nhiễm trùng với chân trái sưng to, căng bóng, đỏ da và rất đau. Người bệnh đã phù chân nhiều năm nay và thường xuyên vào viện vì nhiễm trùng máu có nguồn gốc từ nhiễm trùng chân trái. Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược chẩn đoán bệnh có nguồn gốc từ hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu và tắc mạch huyết chân, cần phải điều trị tái thông mạch máu. Bệnh nhân đã được nong bóng và đặt stent vào tĩnh mạch chậu, tái thông dòng máu về tim. Ngày hôm sau, chân bà đã giảm phù gần 30%, tình trạng viêm mô tế bào cũng được cải thiện rõ và sau 2 tuần điều trị, chân bà đã giảm phù được gần 50% so với trước khi can thiệp.

Bác sĩ Lê Thanh Phong, Khoa Lồng ngực Mạch máu, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Trước đây hội chứng chèn ép tĩnh mạch chặn được điều trị bằng phẫu thuật, rất phức tạp, mất nhiều máu và gây đau đớn. Ngày nay, với sự phát triển của can thiệp nội mạch, hội chứng này có thể điều trị khỏi bằng cách nong bóng và đặt giá đỡ tĩnh mạch (stent) chỉ qua một vết đâm kim vùng bẹn đùi. Người bệnh có thể đi lại vài giờ sau mổ và có thể xuất viện trong ngày.

Theo các bác sĩ, bệnh suy tĩnh mạch chi dưới thường được nhắc đến là do các van tĩnh mạch bị hư hỏng, ngoài ra, suy tĩnh mạch còn do bị chèn ép từ bên ngoài bởi một khiếm khuyết tự nhiên của cơ thể. Hội chứng này gặp phần lớn ở phái nữ, chiếm khoảng 80% và các triệu chứng thường khởi phát vào khoảng 20 đến 50 tuổi.

Bác sĩ Lê Thanh Phong cho biết suy tĩnh suy tim mạch chi dưới có thể gây ra tình trạng phù chân, đau chân, đau cách hồi ảnh hưởng đến chất lượng của bệnh nhân. Nếu nặng hơn có thể loét chân. Tuy nhiên, trong giai đoạn có biến chứng khác có thể tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu, có thể đẩy cục máu đông về phổi và có thể gây thiên tắc phổi./.