Lạc chứa hàm lượng cao chất chống ô-xy hóa polyphenol, chủ yếu là hợp chất a-xít p-coumaric. Lạc sẽ giúp tăng hàm lượng a-xít p-coumaric, qua đó đẩy hàm lượng chất chống ô-xy hóa tăng lên 22%. Theo báo The Times of India dẫn thông tin từ các chuyên gia dinh dưỡng Ấn Độ, lạc rang chứa hàm lượng chất chống ô-xy hóa cao hơn cả táo, cà rốt.
Lạc không có muối rất tốt cho động mạch. 1/4 chén đậu phộng chứa lượng chất béo không bão hòa tương đương 1 muỗng dầu ô-liu. Chất béo không bão hòa giúp giảm cholesterol trong máu. Hàm lượng cao niacin trong lạc giúp phục hồi các tổn hại ở tế bào, đồng thời có tác dụng chống Alzheimer (một dạng bệnh mất trí nhớ) và các vấn đề về suy giảm nhận thức liên quan tới tuổi già. Lạc còn chứa vitamin E, một loại chất chống ô-xy hóa giúp giảm đáng kể nguy cơ bị ung thư cũng như bệnh tim. Là nguồn phong phú chất sắt, lạc có tác dụng cải thiện chức năng của các tế bào máu. Nhờ giàu can-xi nên lạc giúp củng cố xương.
Lạc chứa resveratrol bioflavonoid. Loại bioflavonoid này giúp cải thiện dòng máu lên não khoảng 30%, qua đó giảm nguy cơ đột quỵ. Bổ sung một lượng nhỏ các chế phẩm từ đậu phộng có thể giúp giảm 14% lượng cholesterol xấu LDL.
Chất xơ trong lạc có công dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột. Ngoài ra, ăn lạc còn có tác dụng kích thích sự tăng trưởng của các hormone sinh dục nữ và nam giới./.