Theo báo sĩ Lại Thái Công, Phó trưởng khoa Khám – Hồi sức cấp cứu bệnh viện tâm thần tỉnh Đắk Lắk, những người đến khám tại khoa trong 1 tháng rưỡi qua, chủ yếu trong tuổi lao động, từ 25 đến 50 tuổi. Trong đó, người phải nhập viện điều trị nội trú chiếm khoảng 30% số bệnh nhân đến khám. Bệnh nhân nhập viện thường có các biểu hiện: kích động, hoang tưởng, ảo giác, quậy phá, la hét, u uất, trầm buồn, khó tiếp xúc, ăn ngủ thất thường, đau đầu, giảm nhận thức, thay đổi tâm tính.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do có nhiều đợt nắng nóng xuất hiện tại Đắk Lắk trong hơn 1 tháng qua. Để hạn chế tình trạng tái phát bệnh ở bệnh nhân tâm thần, bác sĩ Lại Thái Công, cho rằng, vào những ngày nắng nóng, người nhà bệnh nhân cần phải thường xuyên quan tâm, gần gũi, chia sẻ tạo cảm giác cho bệnh nhân cảm thấy được yêu thương, tránh kích thích tâm lý, tránh để bệnh nhân ở môi trường oi bức, ngột ngạt.

Về mặt điều trị, người mắc bệnh tâm thần phải dùng thuốc suốt đời, thường xuyên và liên tục. Do đó người nhà tuyệt đối không được tự ý bỏ dở thuốc điều trị, hoặc quên uống thuốc vì chỉ cần bỏ thuốc 1 lần có thể sẽ khiến bệnh tái phát.

“Nắng nóng làm cho bệnh nhân thay đổi về mặt cảm xúc và hành vi của bệnh nhân tâm thần nói riêng và nhiều bệnh nhân khác như động kinh hoặc đối với những trẻ tăng động, trẻ bị rối loạn hành vi, cũng đều dẫn đến thay đổi về mặt cảm xúc. Những cảm xúc không ổn định sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới bệnh nhân và bệnh nhân có thể có những hành vi không kiểm soát được làm nguy hại cho gia đình”, bác sĩ Lại Thái Công lý giải./.