Không nên cất thịt trong tủ lạnh mà không cắt thịt trước
Theo CDC, bạn không bao giờ nên cho vào tủ lạnh thịt đã nấu chín mà chưa được cắt. Cơ quan này cảnh báo: “Các miếng thịt lớn, chẳng hạn như thịt quay hoặc gà nguyên con, nên được cắt ra và chia thành số lượng nhỏ để bảo quản lạnh”.
Thịt nấu chín không nên để lâu trong tủ lạnh
Đừng để thịt đã nấu chín trong tủ lạnh quá lâu và mong rằng chúng vẫn an toàn để ăn. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), ngay cả những loại thịt được bảo quản đúng cách nhất cũng sẽ không còn ngon nếu để trong một khoảng thời gian dài. Thời hạn sử dụng của các loại thực phẩm nấu chín khác nhau tùy theo từng loại. USDA cho biết thịt xông khói hoặc xúc xích nấu chín có thể tồn tại an toàn trong tủ lạnh ở 40 độ F (khoảng 4.5 ºC) hoặc ngăn mát trong một tuần. Thịt hoặc gia cầm nấu chín khác sẽ chỉ nên ăn trong vòng 3 – 4 ngày trong tủ lạnh.
Cơ quan này giải thích: “Giới hạn thời gian ngắn đối với thực phẩm được bảo quản lạnh tại nhà sẽ giúp chúng không bị hư hỏng hoặc trở nên nguy hiểm khi ăn”.
Bảo quản lạnh thức ăn thừa ở nhiệt độ thích hợp
Theo CDC, thức ăn thừa nên được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 4-5 ºC hoặc lạnh hơn trong vòng 2 giờ sau khi được nấu chín. Tuy nhiên, nếu thực phẩm tiếp xúc với nhiệt độ nóng hơn 32 ºC thì nên cho vào tủ lạnh trong vòng 1 giờ. Điều này là để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn tiếp xúc với những thực phẩm này. Nhưng để những miếng thịt lớn nguội nhanh hơn, trước tiên chúng nên được chia thành những miếng nhỏ.
Ăn thực phẩm nhiễm vi khuẩn có thể khiến bạn có nguy cơ bị bệnh nặng
E. coli và Salmonella là hai loại vi khuẩn phổ biến có thể tìm thấy trong thịt. Nếu bạn ăn thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, bạn có thể sẽ bị ngộ độc thực phẩm. E. coli có thể gây ra các bệnh nặng như tiêu chảy, nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh đường hô hấp và nhiễm trùng đường máu. Trong khi đó, vi khuẩn Salmonella có thể gây ra một bệnh lây truyền qua thực phẩm phổ biến ảnh hưởng đến hơn 1 triệu người Mỹ mỗi năm.
Đối với cả hai loại vi khuẩn, một số nhóm người nhất định có nhiều nguy cơ phát triển bệnh nặng hoặc tử vong hơn. Theo CDC, trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn từ 65 tuổi trở lên, những người có hệ miễn dịch suy yếu và phụ nữ mang thai đều có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
“Hãy đến bác sĩ để thăm khám nếu bạn bị tiêu chảy hoặc nôn mửa kéo dài hơn 2 ngày, phân có máu, sốt cao hơn 38 ºC hoặc có dấu hiệu mất nước (bao gồm đi tiểu ít hoặc không đi tiểu, khát nước quá nhiều, miệng rất khô, chóng mặt)”, CDC cảnh báo./.