Bệnh nhân là Hoàng Thị Thùy Linh, 28 tuổi, ở Quảng Bình, mắc bệnh ung thư máu tiên lượng xấu nên phương pháp điều trị tối ưu nhất là thực hiện ghép tế bào gốc nhưng mẫu tế bào gốc của người em trai không phù hợp. Các bác sỹ Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đã chuyển hướng tìm kiếm trong Ngân hàng Tế bào gốc cộng đồng tại Viện. Trong số 450 mẫu máu dây rốn cộng đồng đang được lưu trữ tìm được 3 mẫu phù hợp với bệnh nhân Linh. Ngày 30/12/2014, ca ghép được tiến hành. Đến nay, sau 3 tháng, bệnh nhân có thể đi lại, các chỉ số máu gần như bình thường, tế bào gốc máu cuống rốn mọc ổn định.
Dự kiến, tuần sau sẽ xuất viện. Chi phí trường hợp này rất lớn gần 1 tỷ đồng, bảo hiểm chi trả 50%. Trong đó, Viện quyết định miễn phí 300 triệu đồng tiền mẫu máu cuống rốn. Tiến sỹ Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung cho biết, nhờ được ghép tế bào gốc từ máu dây cuống rốn cộng đồng sẽ giúp bệnh nhân Hoàng Thị Thùy Linh kéo dài cuộc sống.
Từ trường hợp này, Ngân hàng Tế bào gốc đã mở ra cơ hội cho rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh về máu: “Khi điều trị hóa chất mạnh thì cần ghép tế bào gốc. tế bào gốc sẽ giúp cơ thể vượt qua giai đoạn biến chứng đe dọa tử vong. Chính vì vậy nó là phương pháp hỗ trợ hóa chất liều cao. Đối với các bệnh ác tính chưa thể nói là chữa khỏi bằng ghép tế bào gốc mà chỉ là tỷ lệ sống trên 5 năm cao gấp đôi so với điều trị hóa chất thông thường”
Hiện có 3 nguồn chính lấy tế bào gốc gồm dịch tủy xương; tế bào gốc máu ngoại vi và máu dây rốn. Đồng thời, có 3 phương pháp ghép tế bào gốc là ghép tự thân - lấy tế bào gốc từ bệnh nhân ghép cho chính họ; ghép đồng loại, tức là lấy tế bào gốc từ người thân để ghép cho bệnh nhân và ghép cộng cồng, tức là ghép tế bào gốc từ người không cùng huyết thống. Từ 2006 đến nay, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đã tiến hành 150 ca ghép tế bào gốc tự thân và đồng loại./.