Cần đào tạo thêm nguồn nhân lực bác sĩ gia đình, tăng thêm nhân sự về y học gia đình tại các khoa khám bệnh ngoại trú của các bệnh viện là một trong những kiến nghị được đưa ra tại hội thảo tổng kết 14 năm đào tạo bác sĩ gia đình các tỉnh phía Nam, diễn ra sáng nay (20/5).

Hội thảo do Trung tâm đào tạo Bác sĩ gia đình thuộc Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

 

bv_quan_2_mhaq.jpg
Khám sàng lọc và tư vấn tại BV Quận 2 
Trung tâm đào tạo Bác sĩ gia đình thuộc trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh ra đời từ năm 2002 với mục đích đào tạo đội ngũ bác sĩ về y học gia đình cho các tỉnh phía Nam. Sau 14 năm, trung tâm đào tạo chuyên khoa 1 hơn 100 bác sĩ gia đình, đào tạo định hướng hơn 500 người, đào tạo 23 điều dưỡng y học gia đình. Đồng thời, trung tâm đã phối hợp triển khai thành công 6 mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, trong đó có 1 phòng khám tư nhân. Đa phần các phòng khám này đều thu hút rất đông lượt bệnh nhân. Cụ thể như, Phòng khám Bác sĩ gia đình tại Bệnh viện Quận 2 trung bình mỗi ngày có 150 lượt người đến khám.

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2 cho biết: “Chúng tôi liên kết với Trung tâm đào tạo Bác sĩ gia đình của Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có 16 bác sĩ trình độ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 về bác sĩ gia đình. Tôi nghĩ rằng nguồn lực bác sĩ gia đình là một trong những yếu tố quyết định cho sự thành công của mô hình. Ngoài ra, chúng tôi cũng dành nhiều thời gian cho tư vấn, khoảng 12 đến 15 phút”.

Chuyên ngành bác sĩ gia đình được Bộ Y tế công nhận là một chuyên khoa trong trường Đại học về y khoa từ năm 2000. Hiện tại, Việt Nam có 3 trường đại học đào tạo về chuyên ngành bác sĩ gia đình, đó là: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Thái Nguyên và Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Cả nước hiện có 5 tỉnh thành đã xây dựng được tổng cộng 155 phòng khám Bác sĩ gia đình./.