Mỹ xúc tiến chuyển giao vũ khí hiện đại tầm xa cho Ukraine
Một số quan chức Mỹ nói với đài CNN rằng kế hoạch chuyển giao nói trên đã bước vào giai đoạn cuối và có thể được công bố sớm. Dự kiến, kế hoạch sẽ được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Tổng thống Joe Biden phê chuẩn.
Một tổ hợp Patriot điển hình sẽ bao gồm một hệ thống radar dò tìm và theo dõi mục tiêu, các máy tính, máy phát điện, một đài kiểm soát tác chiến, và 8 bệ phóng, mỗi bệ chưa 4 tên lửa sẵn sàng khai hỏa. Hiện chưa rõ, Mỹ sẽ bàn giao cho Ukraine bao nhiêu bệ phóng như vậy.
Theo các quan chức nói trên, các hệ thống tên lửa phòng không Patriot sẽ được xuất nhanh chóng cho Ukraine, sau đó các quân nhân Ukraine sẽ được huấn luyện sử dụng các thiết bị này tại một căn cứ lục quân Mỹ ở Grafenwoehr, Đức. Binh sĩ Ukraine đã được huấn luyện sử dụng một loạt thiết bị quân sự phương Tây ở Đức.
Nếu được thông qua, các kế hoạch nói trên của Mỹ sẽ giúp Ukraine củng cố hệ thống phòng không vào thời điểm Nga đã và đang tăng cường oanh tạc cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, khiến nước này gặp khó khăn trong mùa đông lạnh giá này.
Thời điểm Mỹ đưa ra quyết định này rất đáng lưu ý. Iran được cho là đã sẵn sàng gửi tên lửa đạn đạo cho Nga (tuy nhiên, Iran giới hạn tầm bắn của tên lửa để tránh các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc).
Hệ thống phòng không Patriot được đánh giá là có thế mạnh trong bắn hạ tên lửa đạn đạo hơn UAV và tên lửa hành trình bay thấp.
Ukraine có khả năng sẽ triển khai Patriot với số lượng lớn để ngăn chặn các tên lửa đạn đạo do Nga phóng.
Patriot có thể gặp khó trước tên lửa Iskander của Nga vì tên lửa này có thể cơ động để tránh bị đánh chặn. Nhưng các tên lửa có nguồn gốc Iran như tên lửa Fateh-110 có tầm bắn 300km và tên lửa Zolfaghar có tầm bắn 700km chỉ bay theo đường đạn đạo cơ bản nên dễ bị Patriot đánh chặn hơn.
Có lẽ việc Iran sẵn lòng cung cấp cho các tên lửa như Fateh-110 và Zolfaghar đã kích thích Mỹ vượt qua sự ngần ngại để cung cấp hệ thống Patriot cho Ukraine. Mỹ và phương Tây bấy lâu nay e sợ rằng nếu hệ thống Patriot được triển khai tới Ukraine, điều đó có thể gây ra leo thang căng thẳng với Nga ngoài mong muốn.
Patriot có nhiều đặc điểm lợi hại, Nga phản ứng quyết liệt
Hệ thống M-104 Patriot có thể nhận diện, theo dõi và bắn hạ UAV, tên lửa và máy bay đối phương. Ngoài THAAD ra, Patriot là hệ thống tên lửa phòng không trung tâm của lục quân Mỹ và nhiều đối tác của NATO.
Hệ thống Patriot sử dụng công nghệ hiện đại như radar PESA/AESA đơn có khả năng theo dõi nhiều mục tiêu trong lúc định hướng cho tên lửa đánh chặn bay tới mục tiêu đối phương. Thường thì các hệ thống phòng không sử dụng 2 radar, một để theo dõi và một để dẫn đường tên lửa.
Tầm đánh chặn tối đa của hệ thống này là 70km. Biến thể PAC-2 có khả năng đánh chặn các mục tiêu ở độ cao 20km và PAC-3 chặn ở độ cao lên tới 40km.
Hệ thống tên lửa Patriot sử dụng một loại tên lửa riêng để phá hủy các loại mục tiêu đối phương, trái ngược với hệ thống tên lửa Nga như S-300 và S-400 sử dụng các loại tên lửa khác nhau để đánh chặn các mục tiêu khác nhau.
Theo một báo cáo của think tank RUSI công bố hồi tháng 11, Nga đã triển khai rộng rãi các máy bay chiến đấu như Su-30, Su-35, MiG-31 và tên lửa không đối không (AAM) tầm xa, trong đó có tên lửa R-37 và R-77.
Cũng theo báo cáo trên, lợi thế của không quân Nga đã buộc Ukraine phải lựa chọn mới chiến lược mới, đó là bay thấp để tránh radar và gây bất ngờ cho đối phương.
Trong bối cảnh ấy, các tổ hợp Patriot có thể giảm bớt áp lực cho phòng không Ukraine.
Trước thông tin Mỹ sẽ chuyển giao hệ thống Patriot cho Ukraine, Nga đã phản ứng mạnh mẽ, tuyên bố sẽ tấn công và quét sạch các vũ khí này. Nga cũng cảnh báo nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp với khối NATO nếu Mỹ cung cấp vũ khí phòng không tầm xa đó cho Ukraine./.