Việc Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa trong những tuần gần đây có liên quan tới hành trình của tàu sân bay chạy năng lượng hạt nhân Mỹ hoạt động trong khu vực, theo phân tích của Nikkei Asia.
Ngày 6/10, Triều Tiên phóng 2 tên lửa tầm ngắn ra biển. Tổng cộng từ cuối tháng 9 tới nay, Bình Nhưỡng phóng 10 quả tên lửa các loại.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức họp khẩn trong ngày 5/10 (giờ New York) về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc bất đồng quan điểm với các nước phương Tây, khiến phiên họp không thể thông qua một tuyên bố chung hoặc một nghị quyết về vấn đề này.
Bằng việc phóng nhiều tên lửa trong thời gian ngắn, Bình Nhưỡng “đang thể hiện khả năng hoạt động của các loại vũ khí mà nước này đã sản xuất hàng loạt và đưa vào triển khai”, ông Hong Min, Giám đốc Cơ quan nghiên cứu về Triều Tiên tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, cho biết.
Điều này cho thấy chính quyền của ông Kim Jong-un đang thu hút sự chú ý vào các tên lửa đã được sản xuất hàng loạt, chứ không phải phô trương sự phát triển kỹ thuật của các vũ khí mới.
Các dữ liệu từ Hàn Quốc và Nhật Bản cho thấy Triều Tiên đã phóng ít nhất 3 loại tên lửa. Một loại là tên lửa tầm ngắn, bắn từ bệ phóng rocket đa nòng KN-25 mà Bình Nhưỡng mô tả là hệ thống “cỡ nòng siêu lớn”. Tên lửa có tầm bắn tối đa 400 km.
Loại thứ 2 là tên lửa đạn đạo KN-23, giống với một vũ khí do Nga sản xuất, tầm bắn tối đa 800km. Loại thứ 3 là tên lửa tầm trung Hwasong-12.
Ngày 23/9, tàu USS Ronald Reagan đi vào cảng Busan để chuẩn bị tham gia một loạt cuộc tập trận quân sự chung. Tàu sân bay chạy năng lượng hạt nhân của Mỹ cập cảng Hàn Quốc trước khi Triều Tiên tiến hành một loạt vụ phóng tên lửa.
Ngày 25/9, Triều Tiên phóng tên lửa nghi là KN-23 về phía Biển Nhật Bản. Tên lửa bay được 650km. Khoảng cách giữa Bình Nhưỡng và Busan là khoảng 530km.
Sau đó, tàu USS Ronald Reagan tới các vùng biển quốc tế ở Biển Nhật Bản, gần bán đảo Triều Tiên. Tàu này tham gia các cuộc diễn tập quân sự của Mỹ và Hàn Quốc trong 4 ngày từ 26-29/9, và cuộc diễn tập 3 bên Mỹ-Nhật-Hàn vào ngày 30/9. Trong khoảng thời gian này, Triều Tiên phóng 6 tên lửa về phía Biển Nhật Bản, các tên lửa bay được khoảng 300-400km.
Sau khi kết thúc các cuộc tập trận, tàu Ronald Reagan rời khỏi các vùng biển quốc tế. Triều Tiên đã chọn thời điểm này để phóng tên lửa đạn đạo tầm trung, tên lửa bay được khoảng 4.600km trước khi rơi xuống Thái Bình Dương.
Vụ phóng này thể hiện hiện rằng Triều Tiên có khả năng vươn tới Guam – vùng lãnh thổ Mỹ đóng vai trò là nơi triển khai, điều động các lực lượng – trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Tên lửa này bay qua không phận Nhật Bản, sau khi Tokyo tham gia các cuộc tập trận quân sự chung.
Vụ phóng 2 tên lửa ngày 6/10 trùng với thời điểm tàu USS Ronald Reagan thay đổi vị trị trên các vùng biển xung quanh bán đảo Triều Tiên.
Một tên lửa bay được 350km. Một số người cho rằng điều này biểu thị khả năng Bình Nhưỡng có thể tấn công vùng ven biển phía Đông Hàn Quốc. Đây cũng là nơi quân đội Mỹ và Hàn Quốc phóng tên lửa đất đối đất ngày 5/10.
Tên lửa còn lại bay được 800km, thể hiện rằng Triều Tiên có thể tấn công trên phạm vi rộng ở Biển Nhật Bản – nơi tàu USS Ronald Reagan được tái triển khai.
Triều Tiên dường như đã không phóng bất cứ tên lửa từ tàu ngầm (SLBM) hay tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nào trong chuỗi ngày vừa qua. Trước đó trong năm nay, Triều Tiên từng thử một SLBM mới có quỹ đạo bất thường, cũng như ICBM Hwasong-17.
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang tăng cường hợp tác an ninh. Ngày 6/10, ba nước đã tiến hành cuộc tập trận chung ở Biển Nhật Bản liên quan đến phòng thủ tên lửa.
Các cuộc tập trận chung này nhằm đảm bảo chia sẻ thông tin tình báo thông suốt khi phát hiện tên lửa của Triều Tiên, mở đường cho một phản ứng nhanh liên quan đến việc đánh chặn tên lửa và tấn công vào khu vực đã phóng tên lửa.
Cuộc tập trận chung ba bên ngày 6/10 là cuộc tập trận đầu tiên diễn ra cùng ngày với một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Hợp tác an ninh ba bên đã bị đình trệ do mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc trở nên xấu đi. Tuy nhiên, nhưng các nỗ lực đang được thực hiện để khôi phục sự hợp tác này.
Ngày 6/10, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nói với các phóng viên rằng: “Chúng tôi sẽ giải quyết triệt để tình hình thông qua một liên minh mạnh mẽ giữa Hàn Quốc-Mỹ và thông qua hợp tác an ninh giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản”./.