Máy bay không người lái (UAV) Tu-141 Strizh mà Ukraine sử dụng trong các cuộc tấn công gần đây nhằm vào các sân bay quân sự của Nga là phiên bản đã được nâng cấp, chuyên gia quân sự Nga Viktor Litovkin cho biết ngày 8/12.

Theo ông Litovkin, Ukraine có thể đã có được hơn 100 UAV như vậy sau khi Liên Xô tan rã.

Báo Politico có trụ sở tại Mỹ trước đó đưa tin, quân đội Ukraine đã tìm cách tấn công các sân bay quân sự của Nga bằng UAV Tu-141 Strizh phiên bản nâng cấp được sản xuất từ thời Liên Xô. Ukraine đã tự chỉnh sửa những chiếc UAV này mà không dựa vào bất kỳ công nghệ nào từ các nước phương Tây, bao gồm cả Mỹ.

“Ukraine đã nâng cấp UAV Strizh để tấn công các sân bay Nga vì tất cả các UAV này được thiết kế để thu thập dữ liệu trinh sát nhưng lại được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ [đối phương], điều đó cho thấy phần mềm của máy bay đã được thay đổi, chất nổ được cài trên đó và quá trình nâng cấp đã được thực hiện”, chuyên gia quân sự Nga nhận định.

“Xét tới việc UAV Strizh được sản xuất tại Nhà máy Hàng không ở Kharkov của Ukraine, tất nhiên Kiev cũng có những người có thể vận hành và bảo trì chúng”, ông Litovkin nói.

Chuyên gia cho biết việc nâng cấp Tu-141 Strizh thậm chí không cần bất kỳ sự trợ giúp từ các chuyên gia NATO.

Sự tái xuất của Tu-141 Strizh

Tu-141 được thiết kế từ những năm 1970, phục vụ trong quân đội Liên Xô giai đoạn 1979-1989, chủ yếu làm nhiệm vụ trinh sát biên giới phía Tây, gần các nước NATO. Tu-141 là phiên bản hiện đại hóa của Tu-123 ra đời từ những năm 1960.

Tu-141 do Phòng thiết kế Tupolev phát triển và được sản xuất hàng loạt tại nhà máy hàng không ở Kharkov của Ukraine. Đây là một trong những UAV đầu tiên trong lịch sử sử dụng động cơ phản lực KR-17A, có tầm bay khoảng 1.000km, vận tốc tối đa lên đến 1.100km/h, gần Mach 1.

Tu-141 có chiều dài hơn 14m, sải cánh rộng gần 4m, trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 8 tấn. Tu-141 cất cánh từ xe phóng giống cơ chế của tên lửa và hạ cánh bằng dù, thay vì đường băng như máy bay thông thường.

Chiếc UAV này được trang bị camera, máy ảnh hồng ngoại kèm radar mô phỏng địa hình, nhưng các thiết bị trinh sát có thể được loại bỏ để chứa bom. Forbes nhận định, với tốc độ hơn 1.100km và tầm bay xa, Tu-141 sẽ giống như một tên lửa hành trình nếu mang chất nổ.

Sau khi Liên Xô tan rã, Tu-141 gần như ngừng hoạt động ở Nga do thiết kế cũ, còn Ukraine được cho là vẫn niêm cất và vận hành các UAV này. Khi xung đột ở miền Đông Ukraine bùng phát năm 2014, Tu-141 từng được phát hiện bay trên bầu trời gần khu vực biên giới Nga.

Hồi tháng 3 năm nay, một chiếc UAV Tu-141 Strizh từng bay qua lãnh thổ Romania, Hungary và rơi ở Croatia (3 nước NATO), mà không bị ngăn chặn.

Khả năng Ukraine tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga?

Theo Bộ Quốc phòng Nga, Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công vào các sân bay quân sự của Nga ở Dyagilevo ở Vùng Ryazan và Engels ở Vùng Saratov vào ngày 5/12, sử dụng máy bay không người lái do Liên Xô sản xuất.

Hệ thống phòng không của Nga đã đánh chặn các UAV bay tầm thấp nhưng cú rơi và các mảnh vỡ của chúng phát nổ tại sân bay đã làm hỏng 2 máy bay tầm xa. 3 người thiệt mạng do bị thương nặng, 4 người khác đã được chuyển đến các cơ sở y tế.

Kiev không chính thức nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công bằng UAV nhằm vào các sân bay của Nga. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao giấu tên của Ukraine phát biểu với Washington Post hôm 6/12 rằng các cuộc tấn công ở sân bay Nga “do UAV của Ukraine thực hiện”.

Báo cáo của Viện nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington (Mỹ) cho rằng, cuộc tấn công của Ukraine gây ra thiệt hại nhỏ, nhưng đã chứng tỏ khả năng của Kiev trong việc tấn công các khu vực hậu phương, ở sâu bên trong lãnh thổ Nga và có thể làm gián đoạn chiến dịch tấn công của Moscow nhằm vào cơ sở hạ tầng Ukraine.

Cả Ryazan và Saratov đều nằm sâu bên trong lãnh thổ Nga, trong đó Saratov cách tiền tuyến tới 700km.

Thực tế cho thấy, các cuộc tập kích của Nga không bị gián đoạn, ít nhất là không đáng kể. Theo Bộ Quốc phòng Nga, “vào khoảng 15h (giờ Moscow) cùng ngày xảy ra vụ tấn công nhằm vào 2 sân bay quân sự, hệ thống chỉ huy và kiểm soát cũng như các cơ sở phức hợp quốc phòng liên quan, các trung tâm liên lạc, nhà máy điện, và các đơn vị quân đội của Ukraine đã bị tấn công bằng vũ khí tầm xa phóng từ trên không và trên biển có độ chính xác cao”.

Báo cáo của ISW cũng nhấn mạnh suy đoán “vô căn cứ” rằng các UAV tấn công có thể đã được phóng từ bên trong nước Nga.

Trong bài viết trên EurAsian, nhà phân tích quân sự, cựu phi công Ấn Độ Vijainder K Thakur cho rằng, điều này là nhằm gây tâm lý bất an và hoảng sợ ở Nga.

Thực tế Nga và Ukraine có đường biên giới chung khá dài, do đó, rất khó để không phận Nga trở nên bất khả xâm phạm bằng các hệ thống phòng không.

Mặc dù Ukraine có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng UAV Strizh, gây ra một số thiệt hại. Tuy nhiên, khả năng này bị hạn chế bởi số lượng máy bay không người lái Strizh còn tồn kho.

Nhà phân tích quân sự Nga Litovkin cũng cho rằng, hiện Ukraine vẫn có “đủ” UAV Strizh, nhưng trong bất cứ trường họp nào, số lượng của họ cũng rất hạn chế.

“Đây là di sản từ thời Liên Xô và Ukraine có khả năng sở hữu hơn 100 UAV như vậy. Tuy nhiên, họ chưa sẵn sàng tổ chức sản xuất mẫu UAV này”, ông Litovkin nói./.

Nga tuyên bố bắn hạ UAV của Ukraine ở Biển Đen

VOV.VN - Hạm đội của Nga đã bắn hạ một máy bay không người lái (UAV) của Ukraine hoạt động ở Biển Đen, Thống đốc thành phố Sevastopol – thành phố lớn nhất trên bán đảo Crimea cho biết ngày 8/12.