Sputnik dẫn lời ông Vladimir Pimenov, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Khoa học toàn Nga Signal (VNII Signal) cho biết: “Chúng tôi đang nghiên cứu việc robot hóa hệ thống pháo phản lực phóng loạt. Điều này sẽ giúp giảm bớt sự hiện diện của kíp lái tại những khu vực nguy hiểm trong khi vẫn đảm bảo được khả năng điều khiển hệ thống MLRStừ buồng lái của phương tiện chiến đấu”.
Ông Pimenov cũng cho biết, công ty đang nghiên cứu bộ công cụ robot hóa cho xe chiến đấu bộ binh BMP-3 thông thường.
Theo Sputnik, nếu quá trình nâng cấp thành công, MLRS mới sẽ là vũ khí robot hóa đầu tiên trong số các hệ thống pháo phản lực phóng loạt của quân đội Nga. Tuy nhiên, ông Pimenov cho biết, vũ khí sẽ không được robot hóa hoàn toàn vì ở chế độ không người lái, các đặc tính kỹ thuật của nó chắc chắn sẽ khó phát huy hiệu quả.
Kế hoạch robot hóa hệ thống MLRS của Nga không phải ý tưởng bất ngờ. Theo một số báo cáo trước đó, việc robot hóa MLRS có thể được thực hiện với 2 hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) Tornado-G và Tornado-S của Nga. Năm 2018, ông Alexander Smirnov, Giám đốc điều hành công ty NPO Splav – nhà sản xuất hệ thống MLRS của Nga nói rằng: “Tornado-G và Tornado-S đã được tích hợp các thành phần có thể trở thành nền tảng cho việc robot hóa MLRS”.
Cơ chế tự động hóa của Tornado-G và Tornado-S
Tornado-G là phiên bản hiện đại hóa của hệ thống pháo phản lực phóng loạt BM-21 Grad có từ thời Liên Xô, sử dụng đạn cỡ 122 mm. Tornado-G được trang bị đạn phản lực thế hệ mới mạnh hơn và bắn xa hơn, đi kèm nhiều trang thiết bị phục vụ tác chiến tối tân.
Còn Tornado-S là một phương tiện chiến đấu vô cùng nguy hiểm được thiết kế để thay thế hoàn toàn các tổ hợp MLRS cũ bao gồm BM-30 Smerch và BM-37 Uragan có từ thời chiến tranh Lạnh. Tornado-S được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực và dẫn đường tự động (ASUNO), cùng các tên lửa không điều khiển mới cỡ nòng 300 mm với tầm bay tối đa lên tới 120 km.
Ông Smirnov giải thích rằng, “việc bổ sung các thành phần mới sẽ cho phép chúng tôi tự động hóa quá trình chuẩn bị và kiểm soát việc khai hỏa, định vị địa hình tự động và định hướng phương tiện chiến đấu trên mặt đất hoặc phóng tên lửa trong khi kíp lái không cần rời khỏi khoang”.
Theo Eurasia Times, những hệ thống mới mà quan chức này đề cập nhiều khả năng là hệ thống kiểm soát hỏa lực và hướng dẫn tự động 1V181 và 1V198 do Viện Nghiên cứu Khoa học toàn Nga Signal (VNII Signal) phát triển dành riêng cho Tornado-G. Các hệ thống này cung cấp khả năng tự động hóa cao, từ việc xác định nhắm bắn mục tiêu đến chống lại hỏa lực của đối phương. Chúng được cho là có khả năng đánh trúng mục tiêu với độ sai lệch chỉ khoảng 10m.
Theo tập đoàn Rostec, việc sử dụng 1V198 giúp tăng độ chính xác khi bắn lên 30% và nếu vũ khí sử dụng đạn dẫn đường thế hệ mới, xác suất bắn trúng mục tiêu là 98 đến 99%.
Tầm quan trọng của MLRS
Việc tự động hóa MLRS có thể giúp quân đội Nga giảm thiểu thiệt hại về binh lực, đồng thời gia tăng đáng kể độ chính xác và tốc độ bắn của hệ thống, nâng cao hiệu quả của vũ khí.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã cho thấy vai trò quan trọng của MLRS. Trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến, quân đội Nga đã sử dụng các loại MLRS chẳng hạn như TOS-1A hay BM-27 Uragan để tấn công một số cứ điểm của Ukraine.
Mỹ và các nước đồng minh sau đó đã chuyển giao cho Kiev hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) để giúp Kiev đảo ngược tình thế trên chiến trường. Ukraine đã sử dụng hệ thống này tấn công nhiều trung tâm chỉ huy quan trọng, kho dự trữ đạn dược và vật tư của Nga. Theo đánh giá của tình báo Mỹ các lực lượng Ukraine đã để tiêu diệt hơn 100 mục tiêu "giá trị cao" của Nga.
Ngoài ra, HIMARS cũng đóng một vai trò lớn trong chiến dịch phản công của Ukraine nhằm giành quyền kiểm soát Kherson. Các lực lượng Ukraine đã sử dụng Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp, làm hư hại nghiêm trọng ba cây cầu bắc qua sông Dnipro rộng lớn, vốn là tuyến đường tiếp tế chính kết nối hàng nghìn binh sỹ Nga tại Kherson với các nguồn cung ở phía Đông của con sông. Điều đó khiến Nga phải sử dụng cầu phao và phà để thực hiện nhiệm vụ tiếp tế./.