Hình ảnh từ chiến trường cho thấy, Mỹ dường như đã cung cấp cho HIMARS loại tên lửa mới M30A1 có khả năng sát thương ở mức độ cao hơn đối với cả người và phương tiện.

Đây là tên lửa dành cho dành cho hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS do mỹ cung cấp, có đầu đạn chứa gần 200.000 mảnh hợp kim vonfram. Tên lửa M30A1 phát nổ trên mục tiêu và mảnh đạn vonfram văng ra với tốc độ 3.600 km/h, gây tổn thất nặng nề về nhân lực và các phương tiện bọc thép hạng nhẹ. Nhà thầu Lockheed Martin gọi tên lửa này là "loại đạn dược đầu tiên có thể tấn công mục tiêu trên khu vực rộng mà không văng ra nhiều vật liệu chưa phát nổ".

Kho tên lửa chính xác dùng cho hệ thống HIMARS hiện tại của Ukraine chủ yếu là tên lửa M31, dài khoảng 4 m, đường kính khoảng 22 cm và sử dụng tín hiệu GPS để tìm mục tiêu, phù hợp để tấn công các mục tiêu riêng lẻ như tòa nhà chỉ huy hoặc kho chứa đạn dược.

M31 chứa 90kg chất nổ bên trong lớp vỏ kim loại, tầm bắn tới 70km, khi bắn nó tạo ra những mảnh đạn có hình kim cương. Đây không phải tên lửa lý tưởng để chống lại các mục tiêu nằm rải rác trên cả một khu vực rộng lớn vì chỉ có tác động trong phạm vi tương đối nhỏ.

Trái lại, tên lửa M30A1 có thể bao phủ khu vực lớn hơn nhiều. Bí mật của M30A1 nằm ở số lượng lớn hợp kim vonfram được bố trí xung quanh một lõi thuốc nổ. Thiết kế này xuất phát từ công nghệ có tên gọi Vật liệu tăng cường khả năng sát thương do tập đoàn Orbital ATK phát triển, sau đó được tập đoàn Northrop GrummanNOC mua lại.

Công nghệ này sử dụng mô hình máy tính để tính toán kích thước, số lượng, mật độ và vị trí các mảnh vỡ để đảm bảo rằng đầu đạn tạo ra hiệu ứng tối đa, có thể chống lại một loại mục tiêu cụ thể. Các nhà phát triển cho biết M30A1 tạo ra khả năng sát thương tương tự như đầu đạn chùm. Số lượng hợp kim vonfram trong mỗi tên lửa có khả năng bao phủ một khu vực có diện tích rộng hơn 4 sân bóng đá.  

Các hình ảnh chia sẻ trên Twitter cho thấy, xác một số quả tên lửa M30A1 nằm trên chiến trường Ukraine, trên đó có ghi nhà sản xuất số lô và năm sản xuất là 2017. Những tên lửa mới này rất hiệu quả trong việc chống lại xe tải và các phương tiện cơ giới khác. Chúng cũng cực kỳ nguy hiểm đối với bộ binh. M30A1 có thể nổ tung trên không, vì vậy các chiến hào nông ít có khả năng chống đỡ được

Một số báo cáo khác cho biết, Ukraine cũng đang sử dụng mìn chống tăng AT2 cho tên lửa của HIMARS. Hình ảnh từ chiến trường cho thấy những quả mìn này nằm rải rác trên các con đường xung quanh thành phố Lyman. Mìn AT2 có thể được đặt bằng tay hoặc rải bằng tên lửa. Một đầu đạn của tên lửa HIMARS có thể mang 28 quả AT2.

Hệ thống pháo binh tầm xa, chẳng hạn như HIMARS đóng vai trò rất quan trọng đối với Ukraine để ngăn quân tiếp viện của Nga hoặc phá hủy các kho chứa đạn dược. Giới phân tích cho rằng, Ukraine nhiều khả năng sẽ sử dụng song song tên lửa M31 và M30A1 trong các cuộc tấn công thời gian tới.

M30A1 được sản xuất để thay thế các loại bom, đạn chùm ra đời trước nó, từng được sử dụng để gây sát thương lớn trong Chiến tranh vùng Vịnh nhưng để lại rất nhiều vật liệu chưa phát nổ. Nhiều người dân trên khắp thế giới đã bị thiệt mạng do những thiết bị như vậy dù xung đột đã kết thúc trong nhiều năm. Mỹ đã chế tạo M31 để thay thế kho dự trữ tên lửa M26 - vũ khí có thể bắn ra 600 quả bom nhỏ trên một khu vực rộng lớn, được mệnh danh là “mưa thép”. M26 hoạt động hiệu quả trên chiến trường nhưng có nhược điểm là để lại rất nhiều quả bom chưa phát nổ.

Tuy vậy, các chỉ huy quân đội Mỹ nhiều năm qua vẫn tìm kiếm một loại vũ khí có thể tấn công một khu vực rộng lớn, tiêu diệt quân đội của đối phương ở ngoài trời, trong các chiến hào nông. Đây là lý do M30A1 ra đời.

Trong tuần này, Mỹ thông báo cung cấp cho Ukraine gói hỗ trợ mới trị giá 625 triệu USD bao gồm các vũ khí, thiết bị bổ sung như 4 hệ thống pháo HIMARS và các tên lửa đi kèm, 32 lựu pháo Howitzer, đạn và xe bọc thép. Nếu việc chuyển giao được thực hiện, tổng số hệ thống HIMARS mà Ukraine được tiếp nhận sẽ lên đến 20./.