Là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trực tiếp, góp phần làm rõ bản chất vụ án, tuy nhiên, anh Nguyễn Trọng Thọ, con trai bị cáo Nguyễn Hải Phong (bút danh Linh Phong) - người bị TAND huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên kết án 7 năm tù về tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” lại không được tham gia tố tụng. Theo luận cứ bào chữa của các luật sư đây là vi phạm hết sức nghiêm trọng Khoản 11 Điều 55, Điều 65 Bộ Luật tố tụng Hình sự, làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án.
2 lần trả tiền cho bị hại và yêu cầu rút đơn khởi kiện
Gần 1 tháng sau khi Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân huyện Tuần Giáo (vào ngày 16/3/2020), trao đổi với phóng viên VOV, anh Nguyễn Trọng Thọ (con trai bị cáo Nguyễn Hải Phong) vô cùng bức xúc về việc bản thân không được tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, chứng minh bản chất của số tiền 248 triệu đồng trong vụ án.
Anh Nguyễn Trọng Thọ cho biết, vào buổi chiều ngày bố anh bị bắt, anh có nghe bố nói lại là do cần tiền nên vay nợ của gia đình vợ chồng ông Hiển Ước (trú tại khối Trường Xuân, thị trấn Tuần Giáo) 100 triệu đồng. Nhưng sau bị họ đòi nợ gắt quá, không có trả, nên ông Hiển Ước đã dẫn bố anh sang gặp ông Dương Đức Hiển vay tiếp 200 triệu để lấy tiền trả nợ. Số tiền 200 triệu đồng vay của ông Dương Đức Hiển sau đó đã được trả cho gia đình ông Hiển Ước 112 triệu (bao gồm số tiền gốc và tiền lãi). Số tiền mới vay tiếp có tính lãi, về sau cả gốc và lãi cộng lại thành 278 triệu.
Qua trao đổi, anh Nguyễn Trọng Thọ khẳng định, bố mình là ông Nguyễn Hải Phong đã trả cho ông Dương Đức Hiển 30 triệu đồng tiền lãi 3 tháng (từ ngày 11/8/2017 đến hết tháng 11/2017), nhưng không viết giấy nhận tiền. Do đó, số tiền 248 triệu đồng bản chất là lãi gộp và là con số cuối cùng được chốt nợ giữa hai bên.
Sau khi bố bị bắt, vào các ngày 23/5/2019 và 23/7/2019, anh Thọ đã 2 lần đến nhà bị hại Dương Đức Hiển để trả hết số tiền nợ 248 triệu đồng. Đồng thời đề nghị ông Dương Đức Hiển viết đơn xin rút đơn khởi kiện bố mình. Sau khi nhận tiền, ngày 25/5/2019, ông Hiển đã viết đơn gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện và Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuần Giáo đề nghị rút đơn yêu cầu khởi tố hình sự đối với ông Nguyễn Hải Phong.
Tuy nhiên, đến ngày 10/9/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an huyện Tuần Giáo đã có bản kết luận điều tra vụ án hình sự số 89 chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tuần Giáo đề nghị truy tố bị can Nguyễn Hải Phong về tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Khoản 3 Điều 174 Bộ Luật hình sự.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu, Văn phòng luật sư Bảo Châu và Cộng sự (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), việc anh Nguyễn Trọng Thọ đã 2 lần trả hết số tiền nợ 248 triệu đồng cho bị hại Dương Đức Hiển thay bị cáo Nguyễn Hải Phong là những chứng cứ, chi tiết vô cùng quan trọng để làm rõ bản chất đây là vụ án dân sự cho vay nặng lãi chứ không phải vụ án hình sự “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do nhờ xin việc. Trong hồ sơ vụ án có thể hiện việc anh Thọ chính là người đã trả cho ông Hiển số tiền này, như vậy là đã can thiệp trực tiếp vào vụ án, cần phải đưa vào tham gia tố tụng để giải quyết hậu quả pháp lý số tiền trên.
Tuy nhiên, bản án sơ thẩm số 94 của Tòa án Nhân dân huyện Tuần Giáo chỉ nêu bị hại Dương Đức Hiển trong quá trình điều tra đã nhận đủ số tiền 248 triệu đồng, không có yêu cầu gì khác mà không đề cập gì đến chủ nhân của số tiền này là anh Nguyễn Trọng Thọ và đưa nhân vật này vào tham gia tố tụng. Điều này đã vi phạm Khoản 11 Điều 55, Điều 65 Bộ Luật tố tụng Hình sự dẫn đến hậu quả phán quyết của bản án sơ thẩm về phần xử lý tài sản là không đủ căn cứ pháp luật, cho đến nay vi phạm này vẫn chưa được khắc phục.
Ngoài ra, việc chứng minh của bị hại Dương Đức Hiển tại các phiên tòa về nội dung xin việc làm cho cháu cũng không rõ ràng khi hồ sơ xin việc không có, người làm chứng Nguyễn Mạnh Cường (cháu được xin việc của bị hại) luôn vắng mặt trong quá trình điều tra xét xử và cả quá trình xét xử sơ thẩm.
Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm diễn ra vào ngày 10/3 vừa qua, trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Nguyễn Hải Phong liên tục kêu oan và khẳng định mình chỉ vay tiền nặng lãi với lãi suất 6%, không lừa đảo chiếm đoạt tài sản như thể hiện trong bản án. Bị cáo còn khẳng định, trước thời điểm ngày 11/8/2017, không hề có quen biết với bị hại Dương Đức Hiển.
Theo bị cáo Nguyễn Hải Phong, thời điểm vay số tiền 200 triệu đồng là vào ngày 11/8/2017, có một giấy vay nợ do cả 2 bên cùng ký, người làm chứng thời điểm này là bà Bùi Thị Ước (chủ nợ số tiền 100 triệu ban đầu), nội dung thể hiện việc cầm cố tài sản là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Đài Truyền thanh – truyền hình huyện Tuần Giáo và 1 thẻ Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Còn chứng cứ trong vụ án mà các cơ quan tố tụng của huyện Tuần Giáo đưa ra để buộc tội là tờ giấy biên nhận có ghi lý do hứa xin việc cho cháu của ông Dương Đức Hiển vào làm việc tại đài là được cả 2 bên lập vào khoảng giữa tháng 11/2017, sau khi bị cáo đã trả cho bị hại 30 triệu đồng tiền lãi.
Tuy nhiên, do thời điểm này bận duyệt chương trình phát sóng, chủ quan nên bị cáo đã không đọc kỹ nội dung và đã tự viết thêm, ký vào tờ giấy biên nhận đề ngày 11/8/2017. Người làm chứng lúc này lại là bà Lò Thị Thẹo (mẹ của bị hại Dương Đức Hiển).
Trái ngược với lời khai của bị cáo Nguyễn Hải Phong, tại phiên tòa phúc thẩm, bị hại Dương Đức Hiển cho rằng có quen biết với bị cáo từ giữa năm 2017, đã có ngồi nói chuyện về việc có cháu ở quê muốn xin lên làm việc tại huyện Tuần Giáo. Bị cáo Phong nói có thể giúp được vào làm việc tại Đài với số tiền 300 triệu đồng.
Theo bị hại, khi đưa trước số tiền 248 triệu đồng nhờ xin việc, dù không yêu cầu song bị cáo vẫn đưa sổ đỏ cơ quan và thẻ hội viên cho mình giữ. Về hồ sơ xin việc cho cháu, bị hại cũng chưa đưa do bị cáo chưa yêu cầu. Giấy biên nhận giao số tiền 248 triệu đồng được 2 bên thống nhất và do bị hại Dương Đức Hiển trực tiếp đánh máy, in thành 2 bản cho mỗi người.
Trả lời chất vấn của luật sư tại phiên tòa phúc thẩm, bị hại Dương Đức Hiển cho biết, không nhớ tất cả những chi tiết diễn ra trong quá trình giao nhận tiền tại nhà mình vào ngày 11/8/2017 như: bị cáo đi xe gì, mặc áo màu gì, ký giấy biên nhận trước hay sau khi giao tiền, thời gian đánh máy giấy biên nhận và đếm tiền mất bao lâu, thời gian bị cáo ra về lúc mấy giờ…
Đặc biệt, tại bút lục số 58 và trong phiên tòa sơ thẩm, bị hại khai có nghe Đài phát thanh thông báo tuyển dụng viên chức nên nhờ bị cáo Phong xin việc tại Đài.
Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, trả lời chất vấn của luật sư thì bị hại lại bác bỏ điều này, nói nhờ bị cáo xin việc vào bất cứ cơ quan nào trong huyện cũng được. Về điều này bị hại có cho biết trước tòa cũng không biết điều tra viên hỏi và viết như thế nào.
Tại bút lục số 61, bị hại Dương Đức Hiển khai cháu mình là Nguyễn Mạnh Cường học tại Đài truyền hình tỉnh Hà Nam (?), ra trường vào khoảng năm 2015-2016, tuy nhiên trong phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm lại khẳng định cháu mình chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu, thuộc Văn phòng luật sư Bảo Châu và Cộng sự (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội): Riêng đối với người làm chứng là bà Lò Thị Thẹo (mẹ của bị hại Dương Đức Hiển) khi trả lời chất vấn của luật sư tại phiên tòa phúc thẩm khẳng định, vào khoảng 17 giờ ngày 11/8/2017, bản thân chỉ ký một lần vào giấy biên nhận trao đổi xin việc cho Nguyễn Mạnh Cường giữa con trai và bị cáo Phong, còn về sau không ký vào bất cứ giấy tờ nào khác nữa. Tuy nhiên, trong các giấy biên nhận trả tiền nợ về sau vào các ngày 23/5/2019 và 23/7/2019 giữa anh Nguyễn Trọng Thọ và ông Dương Đức Hiển đều có chữ ký của người làm chứng này.
Do lời khai của bị hại, người làm chứng đều có nhiều mâu thuẫn, khác với các lời khai trong các bút lục của cơ quan điều tra nên việc bị cáo Nguyễn Hải Phong kêu oan là có cơ sở và vụ án này cần phải được điều tra lại một cách công bằng, khách quan, Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu nhấn mạnh./.