Mức án dành cho "siêu trộm" đúng như đề nghị của Viện kiểm sát do đã có 2 tiền án, tính chất phạm tội đặc biệt nghiêm trọng gây hậu quả nặng nề lại không thành khẩn. Còn đàn em Nguyễn Hữu Phước do bị rủ rê, được hưởng tình tiết giảm nhẹ do thành khẩn khai báo, chưa có tiền án tiền sự.
Bị cáo Bạch Dương bị Viện kiểm sát đề nghị 8-10 năm tù, nhận mức án 7 năm tù nhờ một số tình tiết giảm nhẹ: thuộc gia đình có công cách mạng, cha là thương binh, nạn nhân chất độc da cam.
Như đã thông tin, ngày 6.6, TAND TP.Đà Nẵng mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án gia đình "siêu trộm".Theo cáo trạng, từ tháng 3/2008 đến 30/4/2011, Tân yêu cầu Phước chở đến các ngôi nhà có đặc điểm chung là nằm bên cạnh kiệt hẻm, lô đất trống, có lối thoát hiểm, cửa hậu dễ đột nhập để Tân phá khóa, còn Phước đứng ngoài cảnh giới.Tân trộm thành công 36 vụ được 2.908,6 chỉ vàng, 1,795 tỉ đồng, 23.250 USD cùng 1 số thiết bị điện tử khác… tổng cộng trị giá gần 10,4 tỉ đồng, chia cho Phước 125,6 triệu đồng cùng 3 chai rượu, ngoài ra 7 vụ Tân không lấy được tài sản, 2 vụ đang tìm của cải thì chủ về nên bỏ trốn.
Số tiền trộm cắp được Tân cùng vợ là Bạch Dương mua ô tô Toyota Venza hơn 1,5 tỉ đồng (nhờ cha Dương đứng tên hợp đồng), mua nhà, đất ở Q.Ngũ Hành Sơn 2,5 tỉ đồng (nhờ cha mẹ Tân đứng tên), còn lại Tân khai tiêu xài ăn chơi.
Bạch Dương đứng không vững khi nghe bị tuyên phạt mức án 7 năm tù |
Ngoài mức án trên, HĐXX còn buộc anh em cột chèo “siêu trộm” này bồi thường gần 13 tỉ 645 triệu đồng cho gia đình bị hại do các bị hại yêu cầu quy đổi vàng, trang sức bị trộm theo tỷ giá hiện nay, trong đó Phước bồi thường 125,6 triệu đồng, Tân bị buộc trả số tiền còn lại.
Các tài sản mua từ tiền bất chính tiếp tục bị kê biên để đảm bảo thi hành án.
Riêng lô đất ở P.Khuê Mỹ, Q.Ngũ Hành Sơn trị giá 2,5 tỉ đồng bị kê biên trước đó vì liên quan đến dấu hiệu “rửa tiền” của “siêu trộm” nay được trả lại cho ông Đặng Văn Thôn (người nhà của Đặng Ngọc Tân) vì HĐXX xác định đây là tài sản chính đáng của ông Thôn.
“Siêu trộm” vẫn cố bảo vệ tài sản
Trong phần tự bào chữa, Tân chấp nhận mức án cao nhất trong khung hình phạt "trộm cắp tài sản" là tù chung thân nhưng “siêu trộm” chưa tâm phục khẩu phục việc Viện kiểm sát luận tội "tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" của Nguyễn Bạch Dương.
Theo Tân, cơ quan điều tra đã bỏ qua nguồn gốc tiền của cha Bạch Dương bỏ ra mua ô tô Toyota Venza BKS 43X-0007 đó là vay ngân hàng trong đó ghi rõ mục đích mua xe.
Còn về nhà, đất ở Q.Ngũ Hành Sơn mà cơ quan điều tra xác định vợ chồng “siêu trộm” “rửa tiền”, Tân mạnh miệng khoe gia đình Tân “có 2 ngôi nhà mặt tiền ở TP.Đông Hà, Quảng Trị và 2 ngôi nhà ở Hà Nội thì không lẽ gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo phải đi nhận trợ cấp xã hội hay sao, không biết cơ quan điều tra đi xác minh ở đâu mà nói cha mẹ tôi không có tài sản gì?”.
Chưa hết, Tân còn “dạy đời” cơ quan điều tra là phải đi xác minh ở địa phương xem gia đình Tân thuộc diện hộ gì rồi so sánh “không ai giàu mà vỗ ngực tự xưng là giàu cả”.
Lời bào chữa cuối cùng, Tân nói số tài sản, ô tô, nhà, đất không chỉ liên quan đến tài sản chính đáng của cha mẹ vợ chồng Tân mà còn liên quan đến bản án của vợ “siêu trộm”.
“8-10 năm tù là một thời gian rất dài, trôi qua thì vợ tôi cũng về thôi nhưng quan trọng nhất là vợ tôi hoàn toàn vô tội, mà đã oan thì dù 1 phút hiện diện ở trại giam thì không ai chấp nhận được”, Tân nói. Do đó, Tân xin HĐXX có kết luận đúng người đúng tội, hợp tình hợp lý./.