Gần đây báo chí liên tục thông tin các vụ trộm chó, đáng nói, đối tượng trộm chó manh động mang theo hung khí sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, truy đuổi. Nhiều trường hợp đối tượng trộm chó trong khi chống trả đã có những hành vi làm ảnh hưởng tính mạng, sức khỏe của người dân, người truy đuổi.

Ngược lại cũng vì quá phẫn nộ trước sự manh động, liều lĩnh của đối tượng trộm chó, người dân đã “tự xử”, đánh chết kẻ trộm chó trước khi sự việc được báo với cơ quan chức năng.

trom_cho_eqrh.jpg
Người đàn ông nghi trộm chó đã rút súng bắn người dân khi bị truy đuổi. Ảnh: CTV

Đã có nhiều ý kiến lên án hành vi tự xử của người dân đánh chết kẻ trộm chó, và cho rằng không thể dùng hành vi phạm pháp để tự ý xử lý một hành vi phạm pháp khác. Trong tình huống này, dư luận quan tâm liệu việc người dân đánh chết kẻ trộm chó có được xét là hành vi phòng vệ chính đáng không khi đối tượng dùng hung khí, súng chống trả quyết liệt?

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng cả hành vi của kẻ trộm chó và người bị trộm chó, người truy đuổi thường không có giới hạn mức độ, thường thực hiện cho đến khi phân thua thắng bại mới thôi. Thực tế cả hai bên do thiếu hiểu biết, thiếu nhận thức pháp luật nên thường đi quá giới hạn pháp luật cho phép, nên không còn được pháp luật bảo vệ, khi sự việc bị chuyển từ đúng thành sai hoặc từ sai nhỏ thành sai lớn hơn.

Luật sư Vũ Ngọc Chi phân tích: theo Điều 15 Bộ luật Hình sự, một hành vi chỉ được xét là phòng vệ chính đáng nếu chứng minh được hành vi chống trả lại người đang có hành vi xâm phạm là cần thiết.

Khi kẻ ăn trộm chó bị phát hiện hành vi tiếp theo là bỏ chạy, việc bỏ chạy này không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Những người có chó bị mất tiếp tục truy đuổi và tấn công kẻ trộm chó bị coi là vi phạm pháp luật.

Còn khi bị truy đuổi, kẻ ăn trộm tấn công lại người truy đuổi cũng bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi tấn công lại người truy đuổi mức độ vi phạm đến đâu xử lý đến đó.

Như vậy, có thể nói, cả người mất chó và kẻ trộm chó thường vì tâm lý bức xúc và thiếu hiểu biết pháp luật nên mới có những hành vi không kiểm soát, không phù hợp với pháp luật, dẫn tới đi quá giới hạn pháp luật cho phép.

Trong thực tế vừa qua ở nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng này, phần lớn đều bị đưa ra xét xử ở tội giết người đối với những người bị trộm chó và có cả những kẻ ăn trộm chó tấn công lại người truy đuổi.

Để hạn chế tình huống này xảy ra, trước tiên, bản thân mỗi người dân cần nhận thức được rằng hành vi vi phạm pháp luật của kẻ ăn trộm bị xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự đều phải được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền, người phát hiện hành vi trộm chó chỉ nên giữ họ lại và báo cơ quan có thẩm quyền giải quyết, không nên đánh đập, không nên tấn công, có vậy họ mới không bị rơi vào tình trạng từ đúng chuyển thành sai.

Mặt khác, cần nâng cao việc phổ biến pháp luật tại địa phương, kết hợp với tuyên truyền pháp luật thông qua báo, đài để thay đổi nhận thức về pháp luật cho mọi người, giúp họ hiểu rằng không nên có những hành vi thái quá.

Đối với các đối tượng ăn trộm thường là thanh niên trong độ tuổi lao động, họ cần được tuyên truyền giáo dục thông qua các hoạt động xã hội, đi kèm với công ăn việc làm, đời sống ổn định, hướng họ tới lối sống thiện bằng chính công sức mình làm ra.

Thiết nghĩ việc ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật bao giờ cũng dễ thực hiện hơn là phòng chống và khắc phục. Thực chất, hành vi trộm chó là vấn đề nhỏ và đơn giản tuy nhiên nó lại phản ánh nhiều mặt khác của cuộc sống. Để giải quyết triệt để vấn đề nhỏ này rất cần sự quan tâm giải quyết của nhiều cơ quan hữu trách có vậy mới giải quyết được tận gốc rễ vấn đề./.