Vụ việc vũ công Phạm Lịch tố cáo nam ca sĩ Phạm Anh Khoa “quấy rối tình dục”, trong khi nam ca sĩ phản pháo cho rằng nữ vũ công này đang cố tình bôi nhọ danh dự, hình ảnh của mình đang thu hút sự quan tâm. Thực tế, nạn “quấy rối tình dục” đang phổ biến trong xã hội hiện đại, tuy nhiên dường như chưa thấy có vụ việc nào bị đưa ra xử lý trước pháp luật.
Phạm Lịch và Phạm Anh Khoa |
Trở ngại trong vấn đề này theo Luật sư Long chính là chứng cứ. “Ở nước ngoài, chỉ riêng hành vi quấy rối bằng lời nói thôi cũng có thể bị khởi tố, chưa nói đến hành động. Nhưng ở Việt Nam, tội quấy rối chưa được quy định rõ ràng, cụ thể trong luật, mà nó chỉ là những quy định kiểu như nội quy, vì thế mà trước giờ dường như cũng chưa xử lý trường hợp nào về hành vi này. Xử lý bằng luật, điều quan trọng nhất phải dựa trên chứng cứ, chứ không thể chỉ dựa trên lời nói, tố cáo”, luật sư Long phân tích.
“Trong khi Luật Hình sự không quy định cụ thể, rõ ràng thế nào là tội quấy rối thì không thể có cơ sở để đánh giá mức độ xâm hại hay hậu quả của hành vi đối với người bị xâm hại. Trong khi theo quy định của luật, phải có khách thể bị xâm hại, bị xâm hại ở mức độ nào, thiệt hại ra sao mới có thể xử lý. Nếu không chứng minh được thiệt hại thì cũng không thể có căn cứ để xử lý. Đây cũng là những nguyên nhân khiến nhiều nạn nhân bị quấy rối tình dục phải cam chịu, bất lực”, luật sư Long cho biết thêm.
Theo luật sư Long, câu chuyện này, ngay cả người Mỹ cũng chưa xử lý được triệt để, bởi như đã nói ở trên, hành vi quấy rối phải có cấu thành vật chất đó là phải có hành vi tội phạm xảy ra, có thể khởi tố theo các tội danh khác như cưỡng dâm, hiếp dâm… Ở nước ngoài, đối tượng bị tố cáo gạ tình, quấy rối sau một thời gian phải tự nhận hành vi nhưng cũng không bị xử lý hình sự mà chỉ dừng lại ở việc bị xã hội lên án về đạo đức.
Trở lại vụ việc nữ vũ công Phạm Lịch tố nam ca sĩ Phạm Anh Khoa, luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh) cho rằng theo quy định của pháp luật, người tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người khác phải cung cấp chứng cứ chứng minh việc tố cáo là đúng sự thật. Điều này là hoàn toàn hợp lý bởi lẽ nếu tố cáo mà không có căn cứ thì không thể xác định được nội dung tố cáo đó có chính xác hay không để áp dụng biện pháp xử lý phù hợp đối với hành vi bị tố cáo.
Theo luật sư Giang Hồng Thanh, giả sử trên thực tế có việc nam ca sỹ này thực hiện những lời nói, hành động như nữ vũ công trình bày, thì cơ quan pháp luật khó có thể chấp nhận tố cáo của bà Phạm Lịch vì khi sự việc xảy ra chỉ có 2 người với nhau, không có ai chứng kiến hoặc không có bằng chứng; trong khi ông Phạm Anh Khoa lại phản bác bà Phạm Lịch, cho rằng bà Lịch vu khống, xúc phạm danh dự.
“Vì vậy, nếu bà Phạm Lịch không cung cấp được bất cứ chứng cứ nào chứng minh mình bị ông Phạm Anh Khoa quấy rối tình dục, thì cơ quan pháp luật sẽ không giải quyết nội dung tố cáo của bà Lịch”, luật sư Giang Hồng Thanh khẳng định.
Theo khuyến cáo của giới chuyên gia xã hội học, nạn nhân của những vụ gạ tình hay quấy rối không chịu lên tiếng thì những vụ việc như thế sẽ ngày càng gia tăng. Nhưng với thực tế pháp luật hiện hành, những nạn nhân thực sự của hành vi gạ tình hay quấy rối tình dục sẽ được pháp luật bảo vệ ra sao?./.
Phạm Anh Khoa sẽ kiện Phạm Lịch vì tội vu khống?