Vừa qua, cơ quan chức năng đã bắt nhiều đối tượng có hành vi buôn bán người. Đặc biệt, cuối tháng 5/2019, cơ quan chức năng đã bắt giữ được 4 nghi phạm trong đường dây bán người qua Trung Quốc. Các nạn nhân trong vụ án này thường được bán làm gái mại dâm.
Pháp luật quy định cụ thể hình phạt đối với những kẻ buôn bán người như thế nào? Phóng viên VOV phỏng vấn luật sư Phạm Thị Thu – Giám đốc Công ty luật số 1 Hà Nội về vấn đề này.
Luật sư Phạm Thị Thu – Giám đốc Công ty luật số 1 Hà Nội. (ảnh: VTC14) |
PV: Theo quy định, các đối tượng buôn bán người với mục đích mại dâm sẽ bị xử lý như thế nào, thưa luật sư?
Luật sư Phạm Thị Thu: Hình thức xử lý hành vi mua bán người với mục đích mại dâm để bóc lột tình dục được quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 150 và điểm b, khoản 1, Điều 151 Bộ luật Hình sự, là trường hợp chuyển giao, tiếp nhận hoặc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp nạn nhân nhằm chuyển giao cho người khác để thực hiện hoạt động bóc lột tình dục, như tổ chức cho nạn nhân bán dâm, đưa nạn nhân tới cơ sở mại dâm để bán dâm hoặc sử dụng nạn nhân để sản xuất ấn phẩm khiêu dâm, trình diễn khiêu dâm, hoặc làm nô lệ tình dục...
Hành vi tiếp nhận nạn nhân để phục vụ nhu cầu tình dục của chính mình được quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 150 với khung hình phạt 5-10 năm; điểm b, khoản 1, Điều 151 có khung hình phạt từ 7-12 năm.
PV: Có những người bị bán 15- 20 năm hoặc lâu hơn nữa, nhưng sau đó họ mới thoát và tìm được đường về. Nếu họ tố cáo kẻ phạm tội thì có còn thời hiệu để khởi tố vụ án mua bán người hay không?
Luật sư Phạm Thị Thu: Theo quy định tại điều 27 Bộ luật hình sự, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau: 5 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Tội mua bán người được quy định tại Điều 150 có mức khung hình phạt cao nhất là 20 năm, đây là khung hình phạt áp dụng với tội đặc biệt nghiêm trọng. Đây cũng là thời hiệu xác định truy cứu trách nhiệm hình sự, và khi hết thời hạn này, người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa. Có nghĩa, thời hiệu để khởi tố đối với tội được quy định tại Điều 150 cao nhất là 20 năm, vì vậy thời hiệu để khởi tố đối với tội đặc biệt nghiêm trọng cũng là 20 năm.
PV:Cuối tháng 4/2019, Công an huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh đã bắt quả tang Ngô Thị Gái và Ngô Thị Vân đang tổ chức đưa 6 người Campuchia đến Lạng Sơn để mang sang Trung Quốc bán. Ngoài 6 người được giải cứu, Vân và Gái còn khai nhận, đường dây này đã đưa trót lọt 6 phụ nữ Campuchia khác sang Trung Quốc bán cho đàn ông nước này làm vợ. 2 đối tượng Gái và Vân đưa người nước ngoài sang nước ngoài để thực hiện hành vi mua bán thì sẽ bị xử lý như thế nào, thưa luật sư?
Luật sư Phạm Thị Thu: Hành vi mua bán người có 2 tình tiết định khung hình phạt đó là có tổ chức và phạm tội 2 lần trở lên. Khung hình phạt đối với trường hợp này thấp nhất là 8 năm, cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân. Như vậy, đưa người nước ngoài sang nước ngoài để thực hiện hành vi mua bán cũng là tình tiết tăng nặng vì đã thực hiện ít nhất từ 2 lần trở lên.
PV: Tội phạm còn có phương thức hoạt động mới là sau khi tìm kiếm, tuyển chọn được phụ nữ, các đối tượng chụp ảnh, gửi tin nhắn cho người nước ngoài xem mặt, lựa chọn. Những người phụ nữ được chọn sẽ được hướng dẫn tự đi máy bay ra Hà Nội hoặc sang thẳng Trung Quốc, trong khi đó các đối tượng không trực tiếp đi cùng nạn nhân. Nếu các đối tượng bị bắt thì căn cứ nào để khởi tố, xử lý các đối tượng?
Luật sư Phạm Thị Thu: Tội mua bán người được quy định tại Điều 150 và Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã mô tả các hành vi khách quan, tương đồng với công ước quốc tế về mua bán người. Trong đó, mua bán người có nghĩa là mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp và nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách thức sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực hay bằng thủ đoạn khác như ép buộc, bắt cóc, gian lận, lừa gạt.
Hành vi chuyển giao người đã và sẽ nhận tiền, lợi ích vật chất vì mục đích bóc lột được coi là hành vi thể hiện bản chất của tội mua bán người. Trong đó, người chuyển giao đã và sẽ nhận tiền, lợi ích vật chất hoặc phi vật chất vì mục đích bóc lột là những người thực hành tội phạm. Hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người là những hành vi được coi là buôn bán người, với vai trò đồng phạm.
PV:Trường hợp những đối tượng dẫn người qua biên giới để mua bán nội tạng có bị xử lý về tội danh mua bán người hay không?
Luật sư Phạm Thị Thu: Hành vi mua nạn nhân rồi chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể của người đó, phạm vào 2 tội, đó là tội mua bán người và tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.
Trên thực tế, việc mua bán người được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, thông thường thực hiện lén lút dưới nhiều hình thức thanh toán đa dạng, có thể bằng tiền, bằng tài sản khác, hàng hóa, trong đó có mua bán người bằng hình thức gán nợ, thiếu nợ hoặc nạn nhân chi trả dần cho đối tượng mua bán trong quá trình bị bóc lột... Hậu quả của tội phạm mua bán người được thể hiện là nạn nhân bị bóc lột tình dục, bị cưỡng bức lao động hoặc lấy một bộ phận cơ thể của nạn nhân, hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
Hành vi mua bán người dù được che đậy thế nào thì bản chất tội phạm thực hiện trái với ý muốn của nạn nhân, ngay cả trường hợp nạn nhân đồng tình chấp nhận bằng văn bản hay giấy viết tay mà nạn nhân giao cho người phạm tội.
Hành vi mua bán người thông qua giấy nhận nợ cũng là hành vi thể hiện bản chất của tội mua bán người.
Vụ cô gái Dao 11 năm bị lừa bán sang Trung Quốc: Phóng viên VOV bị đe dọa
Vụ cô gái Dao 11 năm bị bán sang Trung Quốc: Vì sao vẫn chưa sáng tỏ?