Bạn đọc hỏi:

Bố mẹ tôi viết thừa kế tài sản cho mấy anh em tôi cách đây 5 năm. Nhưng đến nay vì mâu thuẫn gia đình nên bố tôi nói sẽ không chia tài sản cho anh cả tôi. Xin luật sư tư vấn bố tôi làm như thế có đúng pháp luật không?

Luật sư trả lời:

Chào bạn, từ những chia sẻ của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Về việc di chúc của bố mẹ bạn có thể thay đổi được hay không:

Theo Điều 662 Bộ luật Dân sự 2005 quy định vể Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc thì:

“1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào.

2. Trong trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.

3. Trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị huỷ bỏ”.

Như vậy, theo bạn trình bày, có thể hiểu rằng bố mẹ bạn mới chỉ viết di chúc để lại tài sản cho các bạn mà chưa thực sự chuyển giao tài sản. Chính vì vậy, bố mẹ bạn hoàn toàn có thể hủy bỏ, bổ sung, thay thế di chúc khi bố mẹ bạn còn sống và không ai có quyền can thiệp vào việc này.

Theo Điều 646 Bộ luật dân sự 2005, “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết” và theo Điều 667 Bộ luật dân sự 2005 thì Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế.

Như vậy trong thời điểm bố mẹ bạn vẫn còn sống thì vẫn chưa mở thừa kế vì theo quy định tại Khoản 1 Điều 633 Bộ luật dân sự 2005  thì : “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết”, cho nên di chúc chưa có hiệu lực pháp luật, chính vì vậy các bạn vẫn chưa được hưởng di sản thừa kế, và việc sửa đổi bổ sung di chúc vẫn có thể được thực hiện.

Những điều cần lưu ý khi lập di chúc

Cần lưu ý khi lập di chúc, để di chúc có hiệu lực pháp luật thì di chúc của bố mẹ bạn phải đáp ứng được các điều kiện theo Điều 652 BLDS 2005 như sau:

- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép;

- Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

2.1. Về hình thức của di chúc thì di chúc có thể là di chúc miệng, di chúc bằng văn bản như phải đáp ứng các điều kiện của pháp luật quy định tại Bộ luật dân sự như sau:

- Đối với Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng: Người lập di chúc phải tự viết tay và ký vào bản di chúc.

- Đối với Di chúc bằng văn bản có người làm chứng: Phải có ít nhất 03 (ba) người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào di chúc trước mặt những người làm chứng, những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

-  Di chúc bằng văn bản có công chứng.

- Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

- Đối với Di chúc miệng: người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.

Cần lưu ý là di chúc miệng chỉ được lập trong trường hợp tính mạng của một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản.

Nếu sau ba tháng kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc vẫn còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng sẽ mặc nhiên bị hủy bỏ.

2.2. Đối với di chúc bằng văn bản thì phải có các nội dung

- Ngày, tháng, năm lập di chúc;

- Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

- Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

- Di sản để lại và nơi có di sản;

- Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.

Ngoài ra, di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Hy vọng với sự tư vấn của chúng tôi, quý độc giả đã có thể giải đáp thắc mắc của mình. Nếu còn điều gì thắc mắc, vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật VOV.vn 19006511 để được giải đáp./.