Liên quan đến vụ việc lái xe bán tải nghi say rượu gây tai nạn, kéo lê nạn nhân hàng trăm mét tại ngã 6 Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội bị người dân truy đuổi đêm 11/4, nhiều người dân đã đặt câu hỏi, trong trường hợp có đủ căn cứ chứng minh sự việc trên là có thật thì người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý ra sao?

xe_tai_nan_adqn.jpg
Chiếc xe gây tai nạn.

Về sự việc trên, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, nếu cơ quan chức năng có căn cứ xác định lái xe không làm chủ được tốc độ, thiếu chú ý quan sát dẫn đến đâm vào xe máy đi cùng chiều khiến nạn nhân tử vong hoặc thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe thì người thực hiện hành vi này sẽ bị khởi tố về Tội vi phạm các quy định tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại điều 260 BLHS 2015.

Theo đó, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp: Làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%... thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng; Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn… thì bị phạt tù từ 3-10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Trong trường hợp cơ quan chức năng có căn cứ xác định lái xe bán tải gây tai nạn giao thông, biết nạn nhân đang mắc kẹt ở trong gầm xe, tính mạng bị đe dọa nhưng vẫn tiếp tục cho xe di chuyển, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người theo Điều 123 BLHS 2015.

Điều luật này quy định, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp: Thực hiện tội phạm một cách man rợ; Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; Có tính chất côn đồ…, thì bị phạt tù từ 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Phạm tội không thuộc các trường hợp trên thì bị phạt tù từ 7-15 năm.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, theo Luật sư Lê Hồng Vân, BLDS 2015 quy định, bên bị thiệt hại (thân nhân của nạn nhân) có quyền yêu cầu người gây tai nạn phải bồi thường, khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật, đồng thời làm đơn yêu cầu cơ quan công an nơi xảy ra tai nạn xác minh và xử lý người vi phạm.

Điều 590 BLDS 2015 nêu rõ, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm gồm thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này; Chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của họ. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

“Như vậy, đối với vụ việc trên, căn cứ nguyên nhân xảy ra sự việc, mức độ hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra, cơ quan chức năng sẽ xác định trách nhiệm pháp lý của những người liên quan để có hình thức xử lý phù hợp” – Luật sư Lê Hồng Vân nhận định./.  

Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ 1/8/2016 quy định các mức phạt liên quan đến hành vi điều khiển xe khi lái xe đã uống rượu, bia. Theo đó, lái xe ô tô uống rượu bia có thể bị phạt từ 2-18 triệu đồng, tùy thuộc vào nồng độ cồn trong máu. Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-6 tháng.